Quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm

Phóng viên (PV): Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia mà ngành GTVT đang triển khai?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Bộ GTVT tập trung thực hiện hai dự án trọng điểm quốc gia là đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Quá trình chuẩn bị cho các dự án này qua nhiều công đoạn như, đấu thầu lập dự án, xét thầu, công bố trúng thầu, thuê tư vấn lập dự án, sau đó thẩm định, phê duyệt, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật... Bộ GTVT đã tập trung để thực hiện các dự án này, bám sát kế hoạch đề ra.

Tháng 4-2018, Bộ GTVT đã bàn giao mốc mặt bằng các dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắc-Nam cho các địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng. Bộ tiếp tục thực hiện công tác đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp. Dự án đường cao tốc Bắc-Nam có đặc thù chia làm hai nhóm với 11 dự án thành phần. Trong đó, nhóm một là 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT thực hiện theo đúng nghị quyết của Quốc hội, cho phép công trình hoàn thành năm 2021. Toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này đã triển khai từ cuối năm 2019. Nhóm thứ hai là 8 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Quốc hội đã quyết định chuyển 3/8 dự án sang đầu tư công và 3 dự án này đã khởi công từ ngày 30-9-2020, hiện đã triển khai toàn bộ 13 gói thầu. Chúng tôi tin tưởng 3 dự án này sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2022. Bên cạnh đó, hai dự án thành phần là đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển sang thực hiện theo hình thức đầu tư công. Còn 3 dự án PPP, hiện nay, Bộ GTVT đã lựa chọn được nhà đầu tư. Nhà đầu tư có 6 tháng để thu xếp vốn, quá thời hạn, Bộ GTVT sẽ cắt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh hợp đồng và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về việc tiếp tục triển khai dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. 

Đối với dự án Cảng HKQT Long Thành, đầu năm 2021, đã khởi công gói thầu đầu tiên của dự án về rà phá bom mìn. Sau đó, sẽ tiến hành gói thầu xây dựng hàng rào, san lấp mặt bằng và các hạng mục khác. Bộ GTVT sẽ kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan để sân bay được thực hiện đúng kế hoạch, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2025. 

PV: Trong năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 2015-2020, đâu là những kết quả nổi bật nhất của ngành GTVT, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiệm kỳ vừa qua gửi gắm những kỳ vọng về đột phá trong lĩnh vực GTVT, góp phần tháo gỡ một trong 3 điểm nghẽn của nền kinh tế, trong đó có điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng. Khi đã có hạ tầng giao thông phải tổ chức vận tải tốt để khai thác được hạ tầng; nhiệm vụ nữa là bảo đảm an toàn giao thông cho người dân. Đây là 3 nhiệm vụ xuyên suốt của ngành GTVT. 

Năm 2020, ngành GTVT hoàn thành 100% nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt là công tác giải ngân vốn đầu tư công. Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành giải ngân cao nhất cả nước, đạt hơn 95% giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là tỷ lệ giải ngân cao nhất trong kỳ trung hạn 5 năm (2016-2020).

Công tác xây dựng thể chế cũng được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả nhất định. Khi thể chế được đưa vào cuộc sống sẽ tạo ra đột phá rất lớn. Thực tế đã chứng minh, như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã tạo chuyển biến lớn trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT); Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã giúp tổ chức vận tải tốt hơn, hạn chế hiện tượng tranh giành giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ... Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến công tác bảo đảm trật tự ATGT. Năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Nâng cao tính kết nối của mạng lưới giao thông

PV: Vậy những định hướng của ngành GTVT trong giai đoạn tới, trong đó có việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay, một trong những điểm yếu nhất của hệ thống hạ tầng giao thông là kết nối giữa các loại hình vận tải còn kém, dẫn đến khai thác chưa hiệu quả. Ví như Cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhưng hiện mới chỉ khai thác được 50% công suất do giao thông kết nối kém, Quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc, không có đường giao thông thuận lợi để đưa hàng hóa xuống cảng.

Thời gian tới, chúng tôi xác định ưu tiên số một cho đường bộ cao tốc Bắc-Nam để có tuyến đường cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trở thành trục xương sống, song song với Quốc lộ 1, phục vụ phát triển KT-XH. Cùng với 654km đang triển khai, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam còn khoảng 900km nữa. Tuyến đường quan trọng không kém là đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại không chỉ đóng góp trong thời kỳ kháng chiến mà hiện là con đường trục dọc phía tây, đáp ứng nhiệm vụ về KT-XH. Với tuyến đường này, chúng tôi đặt quyết tâm thông tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Cà Mau, hiện còn 3 đoạn nữa cần được bố trí vốn để thực hiện.

Thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: HƯNG MẠNH.

Bên cạnh đó, các khu vực trên cả nước chọn ra một số dự án đột phá để triển khai. Hà Nội sẽ cố gắng tối đa cho dự án đường Vành đai 4, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên cho đường Vành đai 3 nhằm kết nối các địa phương xung quanh, giúp vận chuyển hàng hóa đến cảng biển, khu công nghiệp... Ở khu vực phía Bắc, cần tập trung khai thác cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); đồng thời, đầu tư nâng cấp một số hạng mục về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa để phát huy hiệu quả. Khu vực phía Nam sẽ chú trọng khai thác cảng Cái Mép-Thị Vải, đầu tư một số tuyến đường bộ kết nối như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh-Tây Ninh...

Riêng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay, hàng hóa ở khu vực này phải vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh để từ đó xuất khẩu đi các nước, gây tốn kém, lãng phí. Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để hình thành cảng biển nước sâu ở ĐBSCL với đặc thù là cảng cách xa bờ, có thể tiếp nhận được tàu trọng tải lớn, hạn chế tình trạng phải nạo vét. Khu vực miền Trung ưu tiên khai thác các cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Vĩnh Tân (Bình Thuận)... Lựa chọn một số cảng lớn để đầu tư nâng cấp tuyến đường kết nối. Từ đó, tạo cơ chế để phát triển hệ thống logistic.

Về đường thủy nội địa, đặc biệt quan tâm khuyến khích phát triển vận tải thủy, kết nối đường thủy với đường biển để các cảng liên kết chặt chẽ với nhau. Lĩnh vực đường sắt, bên cạnh nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cũng cần tăng kết nối đường sắt hiện hữu với các cảng biển lớn để hướng đến chuyển công năng sang vận tải hàng hóa. Lĩnh vực hàng không sẽ tập trung nâng cấp 3 sân bay: Điện Biên, Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Chu Lai (Quảng Nam) và nghiên cứu thêm sân bay Nà Sản (Sơn La). Chúng tôi xác định nguồn vốn đầu tư có hạn nhưng nhu cầu rất lớn nên cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, tập trung vào những công trình mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

PV: Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp nào nhằm huy động các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Để thu hút được nguồn lực cho phát triển GTVT nhất là nguồn vốn xã hội hóa, một trong những vấn đề quan tâm nhất là thể chế, thực hiện tốt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực từ năm 2021. Nếu không đẩy mạnh đầu tư PPP thì không thể hoàn thiện hạ tầng giao thông, vì cần nguồn vốn rất lớn, không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước. Muốn thu hút vốn tư nhân, phương án tài chính phải bảo đảm, nhà đầu tư thu hồi được vốn. Luật PPP có nhiều điểm mới, trong đó có việc chia sẻ trách nhiệm, rủi ro, lợi nhuận, có cam kết rõ ràng, minh bạch giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Khi Luật PPP có hiệu lực, tôi tin rằng công tác thu hút vốn xã hội hóa để phát triển giao thông sẽ tốt hơn...

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

MẠNH HƯNG (thực hiện)