Mấy chục năm trước, môi trường sinh thái còn tốt, mỗi khi có nước lên, gặp thời tiết thuận lợi, con rươi từ lòng đất lại nổi lên, bơi theo nước, người dân lại đổ xô đi vớt. Do môi trường ngày càng thay đổi nên lượng rươi ít đi trông thấy.
Nhằm đánh thức và phát triển tiềm năng vùng rươi của địa phương, người dân Thanh Hà, nhất là các xã khu Hà Đông (gồm 4 xã: Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập, Thanh Quang) đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo vùng đất bãi. Theo kinh nghiệm nhiều năm, ruộng nào được cải tạo tốt, chất đất sạch sẽ cho nhiều rươi. Vì thế, sau khi thu hoạch rươi, người dân sẽ cày cấy trồng một vụ lúa hữu cơ, đến khi gặt xong thì làm lại ruộng, đánh rạch, khơi nước, sau đó rắc phân ủ mục với trấu để tạo chất dinh dưỡng, bảo đảm cho đất xốp, tạo thức ăn sạch cho rươi.
 |
Niềm vui của một người dân Vĩnh Lập (Thanh Hà, Hải Dương) khi thu hoạch rươi. Ảnh: THÀNH CHUNG. |
Những vùng khai thác rươi, nguồn nước phải đạt được hai yếu tố: Nước phải sạch và phải ra, vào liên tục, không được tù đọng. Những bãi rươi thường có nhiều cáy, nên người dân bắt thường xuyên, vừa để tăng thu nhập, vừa bảo đảm cho cáy không ăn rươi non. Phải trải qua rất nhiều công đoạn, người dân các xã khu Hà Đông mới thu hoạch rươi ổn định như hiện nay. Rươi được mùa hay không một phần phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nhưng phần nhiều vẫn do môi trường sống của từng bãi. Nếu môi trường không sạch thì sẽ không có rươi. Bà con có câu thơ ví von: “Cách nhau có mỗi cái bờ/ Người thì hàng tạ, kẻ chờ từng con” là vậy.
Chúng tôi về Vĩnh Lập, một xã cuối huyện Thanh Hà, nơi có sông Văn Úc và sông Thái Bình chảy qua. Bà con đắp bờ, khoanh vùng đất ven sông để khai thác rươi. Được biết, từ năm 2019, Hợp tác xã Bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập được thành lập. Rươi được địa phương đăng ký là sản phẩm OCOP. Được khai thác hoàn toàn tự nhiên nên rươi Thanh Hà khi ăn có hương vị đậm đà, ngậy và nhiều dinh dưỡng. Rươi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như đốt, kho với măng tươi, cùi gấc xanh hoặc rán chả, nấu canh... Riêng xã Vĩnh Lập hiện nay có gần 130 hộ khai thác rươi với khoảng 50ha. Năm 2021, nước rươi tháng 9, tháng 10 tuy có ít hơn mọi năm, nhưng đến đầu tháng 11, rươi bỗng nổi nhiều. Với kinh nghiệm của mình, người dân ở đây cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán có thể còn 2-3 đợt thu hoạch rươi nữa. Với giá bình quân khoảng 350.000 đến 400.000 đồng/kg, doanh thu từ rươi của riêng xã Vĩnh Lập năm nay ước đạt khoảng 25,6 tỷ đồng.
Tháng 7-2021 vừa qua, cầu Quang Thanh nối đôi bờ sông Văn Úc vừa hoàn thành. Có cầu, người dân Hải Phòng sang mua nhiều rươi hơn. Về Thanh Hà vào mùa rươi, xe ô tô nối dài trên những con đê, đường vào vùng khai thác. Nếu không có dịch Covid-19, có lẽ không khí ở đây sẽ rất nhộn nhịp người mua, người bán, người đến trải nghiệm vớt rươi...
Để tiếp sức cho vùng rươi các xã khu Hà Đông, huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch đầu tư làm một số tuyến đường chính dẫn ra vùng khai thác rươi. UBND huyện Thanh Hà dự kiến mở rộng thêm 50ha khai thác rươi trong đê và tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí làm đường ra các nhánh nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi về giao thương.
Nhờ công sức bỏ ra khai thác “lộc trời cho” mà nhiều người dân đã trở thành tỷ phú. Có nhiều bãi thu cả chục tỷ đồng mỗi năm. Khách hàng không đặt trước sẽ khó mua được rươi vì thương lái về tận nơi mua gom hết. Nhiều người đến tận ruộng nhưng không báo trước cũng đành phải về tay không. Lượng rươi ở địa phương được thương lái mua buôn chủ yếu xuất sang Trung Quốc và các tỉnh phía Nam, còn lại bán ở các địa phương khác. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết: “Nếu cải tạo tốt, mỗi năm người dân có thể thu 4 nước rươi. Con rươi trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân”.
Thanh Hà đang tích cực tuyên truyền người dân nói chung, các chủ hộ khai thác rươi nói riêng không sử dụng phân bón hóa học cải tạo đất để con rươi phát triển bền vững. Đồng thời, người dân tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật để con rươi không chỉ trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của địa phương, mà còn bảo tồn một “đặc sản” mà đất trời ban tặng riêng cho vùng quê vải thiều nổi tiếng này.
Bài và ảnh: NGUYỄN LÊ BẢO CHÂU