Trước những thách thức, khó khăn trong tình hình mới, Hội đồng vùng KTTĐ phối hợp chặt chẽ với nhau và thống nhất kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương triển khai nhiều giải pháp nhằm mục tiêu phát triển bền vững vùng KTTĐ ĐBSCL, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh, thúc đẩy văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước...
Tiềm năng, lợi thế chưa được đầu tư khai thác đúng tầm
Vùng KTTĐ ĐBSCL được thành lập theo Quyết định số 492/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 12-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu đây sẽ là vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, hạ tầng đồng bộ, góp phần xây dựng ĐBSCL giàu mạnh.
Nhờ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng, những năm qua, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo ra bước đổi mới toàn diện cho cả vùng và góp phần đáng kể vào thành tựu chung của cả nước. Riêng năm 2015, sản lượng lúa của ĐBSCL đạt hơn 25,7 triệu tấn, xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,8%, thu nhập bình quân đầu người 40,27 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 258 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cơ cấu kinh tế của ĐBSCL chuyển dịch đúng hướng, quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển tích cực, khẳng định được vị thế trung tâm xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây hàng đầu của cả nước. Bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng kinh tế-xã hội của ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, vùng KTTĐ ĐBSCL tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm so với các vùng khác. Môi trường và cơ chế chính sách chưa thật sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các địa phương trong Hội đồng vùng KTTĐ ĐBSCL đều có tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng tầm, tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc.
Sự phát triển của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm sẽ thúc đẩy toàn vùng phát triển. Trong ảnh: TP Cần Thơ ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch luân phiên Hội đồng vùng KTTĐ ĐBSCL (nhiệm kỳ 2015-2016), nhìn nhận: Trình độ phát triển của vùng KTTĐ ĐBSCL còn thấp, quy mô nền kinh nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác, năng lực cạnh tranh chưa cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực trong vùng còn thấp, các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy nghề thua xa so với mức bình quân chung của cả nước.
Nói về những khó khăn, thách thức mà vùng KTTĐ ĐBSCL đã và đang đối mặt, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ: Những năm gần đây, các địa phương trong vùng KTTĐ và cả vùng ĐBSCL nói chung thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn.
“Cà Mau là tỉnh dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu bởi vì có tới ba mặt giáp biển. Mùa khô vừa rồi, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn cho địa phương. Tình trạng sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng, sạt lở ven biển cũng gia tăng. Nếu như cách nay mười năm, đất rừng phòng hộ còn vươn ra biển đến 2km thì nay sạt lở đã vào tận chân đê”-Ông Nguyễn Tiến Hải dẫn chứng.
Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, vùng tứ giác Long Xuyên có diện tích 500.000ha, mỗi năm sản xuất hơn 5 triệu tấn lúa cùng nhiều sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhưng hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: Lợi nhuận nông nghiệp tăng chậm, hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa được đầu tư phát triển, nguồn nhân lực kém.
Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lo ngại: Kết cấu hạ tầng giao thông của vùng còn yếu kém, chính điều này gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng KTTĐ, làm hạn chế vai trò là “đầu tàu” kéo cả vùng ĐBSCL phát triển.
Kết nối tiềm năng phát triển
Để phát triển vùng theo các định hướng quy hoạch đã được Trung ương phê duyệt, chiều 1-11, lãnh đạo các địa phương vùng KTTĐ ĐBSCL đã có buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thống nhất một số nội dung phối hợp nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, kết nối tiềm năng phát triển.
Kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng KTTĐ ĐBSCL, giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội của từng địa phương xét trong lợi thế so sánh của toàn vùng, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng; góp phần khẳng định vai trò, vị trí của vùng KTTĐ ĐBSCL so với cả nước.
Một số nội dung phối hợp nổi bật trong kế hoạch phát triển, đó là công tác quy hoạch. Trước mắt, các địa phương tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Việc đầu tư phát triển nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương cũng được chú trọng, tránh hiện trạng trùng lắp, xung đột. Thực hiện hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Hội đồng vùng KTTĐ ĐBSCL ban hành quy chế chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng, trong đó tập trung vào các thông tin cơ chế chính sách, dự báo thị trường, tiến bộ công nghệ, các dự án có quy mô lớn, các chỉ tiêu về xã hội và môi trường…
Ông Võ Thành Thống cho biết thêm: Hội đồng vùng KTTĐ ĐBSCL cũng thống nhất kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nguồn lực, hỗ trợ ĐBSCL thực hiện các công trình trọng điểm, như: Xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ-Châu Đốc, đầu tư hoàn thiện tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1 (từ TP Cà Mau đến Năm Căn), đầu tư dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên, thi công cống ngăn mặn từ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đến thành phố Cà Mau…
Ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo điều phối các vùng KTTĐ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao và nhất trí với Kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, đây là cơ sở để các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, thật sự trở thành hạt nhân cho sự phát triển vùng KTTĐ. Phát triển kinh tế là cốt lõi, trung tâm phát triển các lĩnh vực khác, nó tạo ra sức lan toả, hỗ trợ phát triển của cả ĐBSCL.
Bài và ảnh: HỒNG HIẾU