Nhắc lại những ngày đầu thành lập từ năm 2008, ông Phạm Văn Thanh, Ủy viên HĐQT Petrolimex, Tổng giám đốc Petrolimex Aviation cho biết, công ty đã gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm đó, đối với thị trường xăng dầu mặt đất, Petrolimex là một tên tuổi lớn, với thị phần nội địa chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu hàng không là thị trường của Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (tên cũ Vinapco nay là Skypec). Vì vậy, việc tìm khách hàng mới không đơn giản với Petrolimex Aviation. Tháng 4-2013 là bước ngoặt quan trọng nhất của công ty. Đó là thời điểm mà sau rất nhiều tiếp cận và thuyết phục, Vietjet Air quyết định ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu với Petrolimex Aviation.
 |
Xe chở xăng dầu của Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex tiếp nhiên liệu cho máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Tuy nhiên, thời gian đầu, để thăm dò năng lực, Vietjet Air sử dụng nhiên liệu song song của Petrolimex Aviation và một nhà cung cấp nữa. Đến tháng 8-2015, sau rất nhiều đợt đánh giá, kiểm tra, Petrolimex Aviation mới được lựa chọn là nhà cung cấp toàn bộ nhiên liệu và dịch vụ tra nạp cho tàu bay của Vietjet Air tại các cảng hàng không, các sân bay mà Petrolimex Aviation cung cấp dịch vụ. Đây không chỉ là thành công của riêng Petrolimex Aviation, mà còn là bước ngoặt của thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Với việc có thêm nhà cung cấp nhiên liệu đủ năng lực, các chuyến bay không còn rơi vào cảnh trễ giờ vì chờ tra nạp. Đằng sau tốc độ phát triển ngoạn mục của ngành hàng không trong 5 năm trở lại đây, có một yếu tố ít người nghĩ tới, đó là hình ảnh những xe tra nạp mang thương hiệu Petrolimex Aviation tại các sân bay.
Thị trường xăng dầu hàng không rất đặc thù. Để tiếp nhiên liệu cho máy bay, các yếu tố an ninh và an toàn phải được đảm bảo ở mức cao nhất. Không được phép để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất. Việc tra nạp nhiên liệu hàng không không chỉ phải đáp ứng những quy định của luật pháp Việt Nam, mà còn phải tuân theo các quy chuẩn của hàng không thế giới. Trong đó, có các bộ quy chuẩn dày hàng nghìn trang của JIG (The Joint Inspection Group)-những quy chuẩn được thừa nhận bởi phần lớn thị trường nhiên liệu bay thế giới. JIG không chỉ dày, phức tạp, mà còn được cập nhật liên tục và trở thành thử thách cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn bước chân vào lãnh địa đòi hỏi sự khắt khe tuyệt đối này. Do vậy để cung cấp ổn định nhiên liệu hàng không đòi hỏi trình độ quản trị, tổ chức, quản lý chất lượng của công ty phải rất tốt.
Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, từ sản lượng xuất bán ban đầu 20.000m3 nhiên liệu bay (JetA-1) vào năm 2009, đến nay, Petrolimex Aviation đã xuất bán gần 800.000m3, tăng gần 40 lần, đứng thứ 4 về quy mô trong hệ thống hơn 40 công ty xăng dầu của Petrolimex. Đây cũng là một trong số ít các công ty đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất của tập đoàn với tỷ suất lợi nhuận hơn 100% những năm gần đây. Đặc biệt, trong các năm 2016 và 2017, mỗi năm công ty nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là mục tiêu và định hướng xuyên suốt trong sự phát triển của công ty. Nhờ định hướng, chiến lược đúng đắn, ngay khi mới thành lập, Petrolimex Aviation xác định việc tham gia Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Từ năm 2009, Petrolimex Aviation đã cung cấp/xuất bán cho khách hàng tại Campuchia bằng đường thủy với sản lượng hiện tại khoảng 5.000m3/tháng. Đáng chú ý, trong năm 2017, đã có hơn 40 sân bay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực hiện cung cấp nhiên liệu cho khách hàng hàng không của Petrolimex Aviation. Sản lượng xuất bán thông qua đối tác tại các sân bay này đạt gần 80.000m3, chiếm 10% tổng sản lượng kinh doanh.
Cũng trong năm 2017, Petrolimex Aviation là công ty thành viên duy nhất của Petrolimex được trao tặng Giải thưởng "Thương mại dịch vụ Việt Nam-Top Trade Services 2016" do Bộ Công Thương tổ chức và bình chọn. Với những đòi hỏi từ thực tiễn, thời gian qua, công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất. Cụ thể, tất cả phương tiện tra nạp Jet A-1 tại các sân bay đều được nhập từ Mỹ, thiết bị khác như hóa nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Năm 2018 và những năm tiếp theo, Petrolimex Aviation xác định tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Cụ thể, Dự án ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) được Petrolimex Aviation triển khai và đi vào hoạt động từng phần giúp cho công ty gia tăng năng lực quản lý, đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh. Song song với đó, công ty đồng thời triển khai dự án xây dựng, áp dụng, vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 và thực hành tốt 5S, tăng tính chuyên nghiệp trong công việc đến từng người lao động. Công ty tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nếu vẽ một biểu đồ về các chỉ số của Petrolimex Aviation từ ngày thành lập, người ta sẽ nhìn thấy một chuyến bay: Từ năm 2008 đến 2013 là giai đoạn chạy đà, sau 2013 là cuộc cất cánh theo chiều thẳng đứng. Đến nay, Petrolimex Aviation đã có 57 khách hàng, trong đó có những hãng hàng không “5 sao” như: Emirates Airline, Singapore Airlines, Etihad Airways, Air France... Hiện tại, công ty đã phủ dịch vụ ở 5 sân bay là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cát Bi và Cam Ranh. Mục tiêu mà công ty đặt ra trong những năm tới là phủ sóng tất cả các sân bay trong nước, tiếp tục vươn ra thị trường thế giới.
Bài và ảnh: MINH HUY