QĐND - Chỉ cách TP Phủ Lý (Hà Nam) chưa đầy 20km, nhưng từ nhiều năm nay, người dân ở ba thôn: Nam Công, Tân Lập, Nam Tân thuộc xã Thanh Tân (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) phải sống cách biệt với thôn bạn, xã bên. Từ chuyện trẻ đến trường, người dân đi chợ, lên xã... không có con đường nào khác là phải đi đò qua sông Đáy. Đò nhỏ, người đông, mỗi lần "vượt sông" là một lần người dân nơi đây lại ắp đầy lo lắng, họ mơ ước sớm có một cây cầu!

Được biết, ba thôn Nam Công, Tân Lập, Nam Tân có gần 250 hộ dân. Cuộc sống người dân ở ba thôn này dường như tách biệt hẳn với bên ngoài do bị chia cắt bởi dòng sông Đáy. Hằng ngày, mọi người đều phải đi qua những chuyến đò ở bến Nam Công, nơi hiểm nguy luôn rình rập. Có đi trên những chuyến đò này chúng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây. Trên con đò nhỏ, xe máy, xe đạp, hàng hóa và người chen nhau... chòng chành, có thể bị lật bất cứ lúc nào.

 Học sinh ở các thôn Nam Công, Tân Lập, Nam Tân thường xuyên phải đi đò để đến trường.

Bà Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Nam Công đi trên chuyến đò cho biết: "Hằng ngày, chúng tôi có việc phải ra xã, đi chợ... đều phải qua đò. Mỗi lần đi đò hết 2000 đồng/người/lượt, còn xe máy là 6000 đồng/lượt. Biết là tốn kém và nguy hiểm nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Ông Đinh Văn Bá, người có con hằng ngày phải đi học trên những chuyến đò, cho chúng tôi biết: “Cả ba thôn chỉ có một trường mầm non, còn các cháu từ cấp tiểu học trở lên muốn đến trường đều phải đi đò đến trường. Mỗi ngày con đi học là cả gia đình lại lo âu. Trước đây, ở thôn chúng tôi đã có hai vụ chìm đò làm 5 người chết đuối. Biết là nguy hiểm đấy, nhưng có còn cách nào khác đâu?”.

Bến đò Nam Công hiện có hai đò máy, mỗi ngày chạy hơn 100 lượt để đưa khách qua sông. Hai con đò này đều do ông Nguyễn Văn Luyến nhận thầu với xã. Ông Luyến cho biết: "Vẫn biết đò nhỏ, nhiều lúc chở nhiều khách là rất nguy hiểm. Nhưng người dân cần, mình không bỏ được".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quế, Trưởng thôn Nam Công cho biết: Người dân ở đây ngoài việc đi đò qua sông thì vẫn có đường bộ để ra bên ngoài, nhưng đi đường bộ thì phải gần 20km mới tới trung tâm xã. Để giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, chính quyền xã cũng đã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh xin được cấp kinh phí để xây cầu, nhưng cấp trên trả lời chưa có kinh phí.

Mơ một cây cầu bắc qua sông Đáy là khát khao bao đời nay của các thế hệ người dân ba thôn Nam Công, Tân Lập, Nam Tân. Nhưng chẳng biết đến bao giờ mơ ước đó mới trở thành hiện thực!

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH – MINH MẠNH