Quốc lộ 8A xuất phát từ ngã ba thị xã Hồng Lĩnh đến cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thông qua nước bạn Lào. Là con đường được xếp trong danh sách “những con đường đẹp Việt Nam", nhưng những gì đang diễn ra hàng ngày trên quốc lộ này đã khiến hành khách bao phen kinh hồn, bạt vía. Dẫu vẫn cho rằng mình là người có thần kinh thép khi chơi những trò có cảm giác mạnh ở các công viên, vậy nhưng, đã nhiều lần tôi phải thót tim khi buộc làm hành khách bất đắc dĩ trên những chuyến xe "tử thần". Những chiếc xe cũ kỹ, chạy rung bần bật, duy chỉ tay lái "bác tài" hình như chẳng thấy rung.

Ngày nào cũng vậy, từ 30-50 chuyến xe khách từ Trung Tâm về thị xã Hà Tĩnh và Vinh đua nhau chạy bạt mạng, tranh giành khách tạo nên những cuộc rượt đuổi kinh hoàng. Hành khách phải miễn cưỡng "thưởng thức" cảm giác mạnh như đi tàu lượn khi xe qua những đường cua tay áo. Vì lợi nhuận, tính mạng hành khách bị họ xem rẻ như bèo, chuyện "xe tù, chém khách" đâu đó có giảm nhưng ở đây lại là "chuyện thường ngày ở huyện". Hành khách bị nhồi nhét đến nghẹt thở. Xe 24 chỗ ngồi nhưng có lúc lên tới 35-40 hành khách là chuyện thường.

Còn giá vé hình như không có ai quản lý nên chủ xe thoải mái "hét" với giá... cắt cổ. Đi một quãng đường khoảng vài chục km nhưng hành khách phải móc hầu bao vài chục ngàn đồng, đắt hơn cả xe thồ. Từ thị trấn Phố Châu về Vinh và ngược lại, quãng đường chưa đầy 50 km mà giá vé có lúc 30-35 nghìn đồng. So với những chuyến xe đường dài thì giá vé như vậy là quá đắt, không thể chấp nhận nổi. Làm một phép tính đơn giản, cũng giá ấy, đi từ Vinh ra Hà Nội chỉ 320 km nhưng vé phải tới gần 200 nghìn đồng, đắt hơn nhiều so với giá vé tàu nằm phòng máy lạnh!

Trên xe, hàng trăm thứ "bà rằn" cũng được nhồi nhét, miễn là có lợi nhuận. Nhiều xe còn chở cả hàng lậu như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện... xuất xứ từ Thái Lan, Lào. Đội ngũ xe khách này cũng "nhiệt tình" tiếp tay cho nạn phá rừng đầu nguồn Hương Sơn. Những thanh gỗ lậu được cưa ngắn giấu dưới ghế hành khách, dưới gầm xe chở về xuôi bán kiếm lời. Có lần cả xe bị một phen thất hồn khi một tổ ong giấu dưới xe bị vỡ, ong bay loạn xạ trong xe, tài xế buộc phải dừng để hành khách phân tán nhường chỗ cho... ong.

Tôi đã thử bỏ tiền, thời gian suốt một ngày chấp nhận đày đọa trên những chiếc "xe tù" ấy để tìm hiểu thêm. Mặc dù tình trạng lộn xộn như vậy nhưng rất hiếm khi gặp Cảnh sát giao thông (CSGT) lên xe kiểm tra. Xe dừng, tài xế mang theo giấy tờ chạy lại chỗ CSGT và chỉ một lát sau xe lại lao đi vun vút. Hành khách muốn than phiền, không biết bày tỏ cùng ai.

Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe ben, công nông chở đất đá đua nhau chạy, tung bụi mịt mù. Điều đáng nói là những "quái xế" này nhiều người không qua một lớp đào tạo lái xe nào nhưng vẫn "ung dung” ôm vô lăng, dấn hết ga, hết số. Khi gặp CSGT họ cho xe rẽ đột ngột vào một lối sâu để tránh.

Ngày nào cũng vậy, từ 30-50 chuyến xe khách từ Trung Tâm về thị xã Hà Tĩnh và Vinh đua nhau chạy bạt mạng, tranh giành khách tạo nên những cuộc rượt đuổi kinh hoàng. Hành khách phải miễn cưỡng "thưởng thức" cảm giác mạnh như đi tàu lượn khi xe qua những đường cua tay áo. Vì lợi nhuận, tính mạng hành khách bị họ xem rẻ như bèo, chuyện "xe tù, chém khách" đâu đó có giảm nhưng ở đây lại là "chuyện thường ngày ở huyện". Hành khách bị nhồi nhét đến nghẹt thở. Xe 24 chỗ ngồi nhưng có lúc lên tới 35-40 hành khách là chuyện thường.

Tham gia vào đội hình "hung thần" trên xa lộ này còn có những chiếc xe máy chở hàng lậu như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, "hàng con" (thú rừng), gỗ lậu. Cứ chiều chiều, quãng tầm 17-18 giờ, từng đoàn xe máy nối đuôi nhau, sau xe chở những khúc gỗ dài 3-4m cột nằm ngang, bóp còi inh ỏi, lao như tên bắn chở gỗ lậu về xuôi. Nguyễn Thanh P, quê ở thị Trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh), một "xế gỗ" có hơn 5 năm thâm niên "tay lái lụa" kể: "Làm nghề này biết nguy hiểm nhưng vẫn phải theo, bọn mình phải chạy vào giờ ấy để tránh kiểm lâm và CSGT, khi chạy phải chạy hết tốc độ để tránh sự truy đuổi, nếu có lỡ va đụng vào ai thì cũng phải chịu thôi, may rủi mà!". Những tay "xế gỗ" này là nỗi khiếp đảm cho hành khách đồng hành. Họ buộc những thanh gỗ có trọng lượng nặng vài ba tạ, khi chạy những thanh gỗ nằm ngang sau xe chiếm hơn nửa phần đường, sẵn sàng phang ngang những ai đi vào... phần đường của họ. Hầu hết, khi thấy những chiếc xe máy chở gỗ này, người đi đường đều chịu thiệt, "tránh voi chẳng xấu mặt nào", nép bên lề đường để nhường cho họ chạy qua. Trong tâm trí của những người “xế gỗ” này luôn nơm nớp lo sợ bị bắt nên chẳng đếm xỉa gì chuyện an toàn ngay với bản thân họ, huống chi là với người khác. Lên xe là chạy hết ga, hết số, còn ai nhường đường hay không thì mặc ai, tai nạn ráng chịu.

Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do xế gỗ gây ra và thậm chí xế gỗ cùng là nạn nhân. Mới đây, anh Trần Đức N, ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn), một lần chở gỗ về, do không làm chủ tốc độ, cả xe và người lao vào cột mốc, bay xuống ruộng, anh bị gỗ đè vỡ gan, lách, chết trên đường đi cấp cứu. Điều lạ là tất cả những chuyến xe ấy đều phải chạy qua trạm kiểm lâm ở dốc Nầm (Hương Sơn), vậy nhưng không biết họ đã có "phép thôi miên" thế nào mà qua được một cách ngon lành ngay trước mặt kiểm lâm?

Chưa hết, cảnh thường gặp vào những buổi chiều tà trên quốc lộ 8A nữa là từng đàn bò nghênh ngang, ung dung đi lại trên đường gây ách tắc giao thông. Mặt đường hẹp, nhưng những nhà gần đường vẫn luôn coi đường như là... sân của họ. Vào những ngày mùa, rơm rạ phơi tràn ra cả mặt đường.

Những cảnh tượng trên đã gây nên bao nỗi khiếp đảm, phiền phức cho hành khách qua lại trên con đường này. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp mạnh tay chấn chỉnh để mang lại sự an toàn cho hành khách và trả lại vẻ đẹp vốn có của quốc lộ 8A./.


Phan Thế Hiển