Trong 40 năm qua, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu dược (Học viện Quân y) đã đào tạo được 784 dược sĩ đại học, 286 dược sĩ sau đại học, 16 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ... bổ sung dược sĩ đại học cho các tuyến quân, dân y.
“Đến năm 2010 cả nước cần khoảng một vạn dược sĩ đại học nhưng chỉ đáp ứng được hơn 5.000. Bởi vậy, cán bộ, giảng viên chúng tôi càng ý thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ của mình, phát huy cao nhất truyền thống, kinh nghiệm và uy tín của Trung tâm để đào tạo dược sĩ đại học ngày càng nhiều, càng tốt cho các tuyến quân, dân y” - Đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, chủ nhiệm bộ môn dược học quân sự nói với tôi như vậy.
Qua tìm hiểu, tôi rõ hơn vai trò quan trọng của dược sĩ đại học ở các tuyến quân y binh đoàn, sư đoàn, Bộ CHQS các tỉnh và các bệnh viện trong và ngoài quân đội. Họ chính là người chịu trách nhiệm tạo nguồn cung ứng thuốc cho toàn đơn vị, bệnh viện trong thời bình, cũng như trong thời chiến.
Đến các phòng thí nghiệm của Trung tâm, nơi đặt các loại máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập, tôi gặp đại tá, thạc sĩ, dược sĩ chuyên khoa 2 Phan Công Thuần-phó chủ nhiệm bộ môn Dược học quân sự, anh cho biết: “Trung tâm đã cùng với Học viện bằng nhiều nguồn trong và ngoài quân đội đáp ứng đủ thiết bị dạy và học hiện đại, như máy sắc ký lỏng cao áp (HPLC), máy quang phổ hấp thụ tử ngoại-khả kiến, các loại máy đo độ giải phóng hoạt chất, tủ vi khí hậu nghiên cứu hạn lão hóa cấp tốc để đánh giá hạn dùng thuốc...”. Các thiết bị này giúp thầy trò của Trung tâm vừa làm công tác giảng dạy, thực hành, vừa hoàn thành hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học.
Công tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm vừa bám sát nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, vừa thực hiện được nguyên lý cơ bản về giáo dục-đào tạo, đó là: Học tập đi đôi với thực hành. Nghiên cứu khoa học bắt buộc thầy và trò của Trung tâm phải huy động hết kiến thức đã giảng dạy và học tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, giúp thầy truyền thụ kiến thức rộng hơn, sâu hơn, giúp học viên tiếp thu và tích lũy kiến thức được nhiều hơn. Thiếu tướng, giáo sư, tiến sĩ khoa học nguyên phó giám đốc Học viện Quân y Nguyễn Hưng Phúc, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tách chiết Rotun din từ củ bình vôi để làm thuốc tiêm” được giải nhất VIFOTEC năm 2001, tâm sự: “Trung tâm đào tạo nghiên cứu dược đã kế thừa và phát huy tốt những tinh hoa của dược học cổ truyền, dược học hiện đại, tiếp tục các công trình nghiên cứu của lớp người đi trước, đưa các công trình nghiên cứu vào sử dụng rộng rãi trong việc điều trị, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân”. Đề tài nghiên cứu sản xuất thuốc tiêm Rotundin Sulpát đã được Đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Minh tiếp tục triển khai, hoàn thiện quá trình tách, chiết, tinh chế Rotudin từ củ bình vôi điều chế ra thuốc tiêm Rotundin Sulpát qui mô Pi-lốt (liên kết với xí nghiệp dược phẩm 1 Trung ương sản xuất) được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện tâm thần. Thuốc đã có thương hiệu uy tín, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Tuy còn thiếu đội ngũ giảng viên, nhưng Trung tâm bằng mọi cách để nâng cao chất lượng dạy và học. Đó là việc mời các chuyên gia đầu ngành về dược học ở Việt Nam vào giảng dạy, xây dựng được đội ngũ “cộng tác viên” hùng hậu. Đại tá, phó giáo sư Phan Trọng Khoa năm nay đã 78 tuổi vẫn nhiệt tình giảng dạy và có những đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu của Trung tâm. Ông nói: “Được đem kiến thức đã tích lũy truyền thụ lại cho đội ngũ cán bộ, sinh viên trẻ đầy tâm huyết, nhiệt tình ở đây, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là hạnh phúc của những thầy giáo già như chúng tôi”.
Hằng năm, Trung tâm vẫn cử các đoàn cán bộ tham gia điều tra các dự án cấp nhà nước, như: Điều tra cơ bản thực trạng phân bố, đề xuất qui hoạch vùng chuyên canh cây thuốc,giá trị kinh tế tại 4 tỉnh phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên. Trung tâm còn có nhiều sáng kiếngiá trị, phục vụ bộ đội trong hành quân dã ngoại, mà điển hình là sáng kiến: “Cải tiến nồi cất nước ở tuyến sư đoàn, phục vụ pha chế dã ngoại”.
Tôi gặp thượng úy, dược sĩ đại học, giảng viên thực hành Trịnh Nam Trung-người vừa hoàn thành bốn công trình nghiên cứu khi anh và sinh viên Phùng Đức Lập đang say sưa với các thí nghiệm. Sinh viên Phùng Đức Lập nói với tôi: “Các thầy ở Trung tâm vừa truyền thụ cho chúng em kiến thức, lòng say mê khoa học, vừa là tấm gương sáng về y đức để chúng em noi theo”.
Bài, ảnh: VŨ LÊ