Nghề đánh cược với "ông Trời"
Chúng tôi đến với làng hoa đào xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Dưới thời tiết nắng ấm, nhiều cây đào đã bung nở rực rỡ. Người dân ở đây chia sẻ, do thời tiết diễn biến thất thường, nắng ấm kéo dài trong mùa đông khiến người trồng đào không chỉ ở Uy Nỗ mà nhiều vùng trồng đào khác cũng không kịp trở tay dù đã tìm mọi cách để "hãm" đào.
Người trồng đào ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) vặt lá, ngắt các cánh hoa héo để mong nụ mới tiếp tục ra hoa.
Tại vườn đào nổi tiếng Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) có khá đông bạn trẻ tới chụp ảnh. Ai cũng trầm trồ khi chứng kiến những cây đào nở hoa rất đẹp, nhưng đó cũng là nỗi buồn của người trồng đào nơi đây. Do thời tiết nắng ấm kéo dài gần suốt mùa đông, đến tận tháng 1 dương lịch, nên đa số hoa đào ở đây đều nở quá sớm. Có chủ vườn đào gần như thất thu hoàn toàn bởi đào đã bung nở rộ kín vườn từ trước Tết.
Chị Trần Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhật Tân cho biết, cả phường có 295 hộ trồng đào trên diện tích 57ha. Năm nay, phần lớn đào đã nở sớm nên các hộ trồng đào đều thất thu. Nhà chị Hoa có một vườn đào hơn 300 gốc, cũng cơ bản nở hết. "Những năm trước, nhà tôi thu được khoảng 100 triệu đồng tiền lãi bán đào, nhưng năm nay thì mất trắng", chị Hoa thở dài.
Anh Hà Ngọc Thành, một chủ vườn đào với hơn 200 gốc ở Nhật Tân giọng đượm buồn: “Trong những ngày này, dù chúng tôi đã cố gắng “hãm” đào nở hoa bằng cách tưới tiêu, bón phân, tuốt lá cầm chừng,... Tuy nhiên, do thời tiết năm nay quá thất thường, nắng ấm kéo dài nên cũng như vườn đào của tôi, tất cả đào ở xóm này gần như đã nở hết từ trước Tết khoảng ba tuần. Ở một số cây chỉ còn rất ít nụ. Thất thu là điều không tránh khỏi”.
Theo lịch trình của các nhà vườn trồng đào ở Nhật Tân, nếu như thời tiết năm nào không quá lạnh, thời gian tính từ lúc bắt đầu tuốt lá cho tới khi cây bung nụ nở hoa là khoảng 45 ngày. Nếu như năm nào rét đậm, rét hại kéo dài thì khoảng thời gian này dài hơn, cần 50 đến 60 ngày. Mặc dù vẫn biết khung thời gian là vậy nhưng ngay cả những người có kinh nghiệm trồng đào lâu năm ở Nhật Tân cũng chẳng dám nói trước được điều gì trong điều kiện thời tiết ngày càng "đỏng đảnh". Sau thời điểm đã tuốt lá, người nông dân đều phó mặc cho “canh bạc” với ông Trời.
Cần áp dụng các phương pháp chăm sóc tiên tiến
Không giống như các chủ vườn đào khác, ông Lê Hàm-nghệ nhân trồng đào có tiếng ở phường Nhật Tân có cách riêng để chăm sóc cho những gốc đào quý thất thốn của mình. Do đó, năm nay, ông không những không thất thu mà thắng lớn vì cho tới hôm qua (17-1) đã bán được hết đào. "Khách cứ đến vườn hỏi mua liên tục nhưng tôi chẳng còn để bán", ông Lê Hàm nói. Trên diện tích khoảng 1.000m2, ông đang sử dụng 2 kho lạnh cho 80 gốc đào trong những ngày nắng nóng. Do đó, đào của ông luôn ra hoa vào đúng ngày Tết.
Ông Lê Hàm cho biết: “Vườn đào của tôi không phải lo thời tiết. Nhờ có 2 kho lạnh, tôi có thể kiểm soát được thời gian ra hoa của cây đào bằng cách điều tiết nhiệt độ trong kho lạnh, nếu thấy cây ra lộc chậm thì tăng nhiệt độ lên, nếu thấy cây ra lộc nhanh thì giảm nhiệt độ xuống”. Chi phí ban đầu cho mỗi kho lạnh này là khoảng 100 triệu đồng, cùng với đó là chi phí tiền điện. Những năm trước chi phí tiền điện trung bình khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, năm nay tiền điện lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Do đào thất thốn có giá trị cao, từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một chậu nên ông Hàm có thể bỏ ra chi phí lớn để đầu tư kho lạnh. Nhưng không phải hộ trồng đào nào cũng có điều kiện đầu tư như vậy. Người trồng đào hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng những cách làm truyền thống để điều chỉnh thời gian ra hoa là thay đổi mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cung cấp dinh dưỡng, nước. Còn tiêu chí nhiệt độ vốn giữ vai trò quan trọng nhất vẫn chưa kiểm soát được và các hộ trồng đào vẫn phải trông chờ vào thời tiết.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục môi trường và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết trở nên phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, như mùa đông năm nay, nền nhiệt trung bình đã cao hơn khoảng 3-4 độ C so với trung bình hằng năm. Do đó, đối với những hộ trồng đào, việc theo dõi thông tin dự báo là rất quan trọng để có thể sản xuất một cách bền vững. Hiện nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương đã làm tốt việc đưa thông tin dự báo thời tiết ngắn hạn, tuy nhiên cần phải nâng cao khả năng dự báo mang tính dài hạn. Điều này sẽ giúp cho nông dân nói chung, trong đó có người trồng đào nói riêng đề ra các biện pháp ứng phó phù hợp. Ví dụ, khi biết trong thời gian tới sẽ có nắng nóng, người trồng đào sẽ theo dõi và thực hiện hãm đào sớm để tránh đào nở quá sớm trước Tết.
Chị Trần Thị Thanh Hoa cho biết, trong thời gian tới, hướng phát triển của làng đào Nhật Tân sẽ gắn với công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện lưới... Đây là cơ sở để người trồng đào đầu tư các công nghệ chăm sóc nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, các nhà vườn ở đây cũng sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng đào tiên tiến nhằm ứng phó với thời tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm, để giữ được thương hiệu đào Nhật Tân.
Chúng tôi đi giữa vườn đào rực rỡ sắc hồng tươi đang kéo mùa xuân về. Thế nhưng để sắc xuân ấy đến được từng nhà, mang lại niềm vui từ thành quả lao động cả năm cho người trồng đào thì cần lắm sự quan tâm đầu tư về công nghệ, kỹ thuật mới. Đó cũng chính là một yêu cầu của nền nông nghiệp nước ta trước sự biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Làm sao để có những cách chủ động ứng phó, để cây, để hoa, để con người không phải quá phụ thuộc vào "ông Trời" nữa?
Bài và ảnh: LÊ HIẾU - HIỂN VŨ