QĐND Online- Không trực tiếp điều trị bệnh nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên Bộ môn-Khoa Chẩn đoán chức năng (Bệnh viện 103, Học viện Quân y) lại có một nhiệm vụ tuy thầm lặng nhưng rất quan trọng là kiểm tra, theo dõi, đánh giá...chức năng hoạt động của các bộ phận trên cơ thể bệnh nhân. Hay nói cách khác, họ là những người thăm dò chức năng sống của cơ thể. Công việc của họ là yếu tố quan trọng, giúp cho công tác cấp cứu tiến hành được kịp thời, công tác điều trị bệnh nhân tiến hành đúng hướng, bởi nếu một chẩn đoán sai, hậu họa thật khó lường…
Tận tâm, tận lực, chu đáo với người bệnh
 |
Giao ban, điểm bệnh sáng của Bộ môn-Khoa Chẩn đoán chức năng |
Tối 18-2, cụ Lê Hải Cư, 90 tuổi, (Thanh Ba-Phú Thọ) được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, bụng đau dữ dội. Sau khi được gửi đến Bộ môn -Khoa Chẩn đoán chức năng, cụ Cư được đội ngũ thầy thuốc ở đây tiến hành làm các xét nghiệm siêu âm trong ổ bụng. Vừa theo dõi hình ảnh trên màn hình, Đại tá, TS, Bác sĩ Hoàng Đình Anh, Chủ nhiệm Bộ môn- Khoa Chẩn đoán chức năng vừa ân cần hỏi người bệnh và người thân của họ về thời gian phát bệnh cũng như những biểu hiện lâm sàng. Anh Phí Đình Hùng, con rể cụ Cư tâm sự: “Khi bố tôi phải nhập viện cấp cứu, mọi người trong gia đình rất hoang mang lo lắng. Nhưng khi vào đây được đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện 103 và các y bác sỹ của Bộ môn-Khoa Chẩn đoán chức năng tận tình thăm khám, hướng dẫn, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.
Cụ Cư chỉ là một trong số hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân đã được các thầy thuốc Bệnh viện 103 nói chung và Mộ môn-Khoa C9 (cách gọi Bộ môn-Khoa chẩn đoán chức năng) tận tâm phục vụ. Chúng tôi cũng đã gặp, trò chuyện với những bệnh nhân mà theo họ, nếu không được làm các xét nghiệm tiên tiến, chính xác thì khó có thể “bắt bệnh” chính xác. Chị Nguyễn Hoài M, nhà ở quận Hà Đông chẳng hạn, chị gặp một ca tai nạn giao thông rất nặng, máu tràn trong ổ bụng, ngất lịm, được đưa vào cấp cứu. Qua siêu âm, các thầy thuốc C9 nhanh chóng thấy rõ tình trạng tổn thương gây đứt cuống thận trái, vỡ lách, dập gan…Chị M được đưa lên bàn mổ và tính mạng được bảo toàn. Trường hợp khác, chị Linh, công tác tại Lạng Sơn bị hội chứng đau đầu, khó thở bất thường đã đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đến với Khoa C9, sau theo dõi, làm các xét nghiệm và được điện tim trên máy điện não 64 kênh (do Nhật Bản sản xuất) và đo thông khí phổi bằng máy Vmax (Mỹ), do chính các bác sĩ đã tu nghiệp từ nước ngoài trở về đã chỉ đúng căn bệnh, giúp quá trình điều trị được “trúng bệnh”, sức khỏe chị Linh đã trở lại bình thường.
 |
Một lúc, Khoa có thể siêu âm cho nhiều bệnh nhân... |
 |
...trên các máy siêu âm hiện đại. |
Tại phòng Điện tim, Bác sĩ Phạm Thị Diệu Hương cùng Thượng úy, QNCN Điều dưỡng viên phó Ngô Thị Lan đang làm điện tim cho Nguyễn Văn Huy, quê Kim Bảng (Hà Nam) bệnh nhân Khoa B8. Chị Hương, cho biết: “Bệnh nhân Huy bị dị dạng mạch máu cổ. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân phải làm các xét nghiệm”. Là người nhiều năm gắn bó với công việc chẩn đoán chức năng, nên chị Ngô Thị Lan hiểu hơn ai hết về những khó khăn, vất vả của những người ngày đêm kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân. “Để bảo đảm cho hoạt động khám, cấp cứu và điều trị của bệnh nhân, hằng ngày, ngoài giờ hành chính anh chị em trong khoa vẫn phải thay phiên nhau trực. Bệnh nhân đến đây thường là những người già, bệnh nặng nên tính khí nóng nảy, khó chịu. Hiểu và thông cảm với nỗi đau của họ, anh chị em chúng tôi vẫn tự nhủ phải cố gắng, trách nhiệm để giúp người bệnh nhanh khỏi”-chị Lan chia sẻ. Chính sự niềm nở và luôn tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc Bộ môn-Khoa Chẩn đoán chức năng đã giúp cho những ai đến khám, xét nghiệm ở đây cảm thấy yên tâm, tự tin hơn trước khi được các thầy thuốc của bệnh viện xác định hướng điều trị hoặc phẫu thuật.
 |
Cán bộ Bộ môn-Khoa (trái) đang đo các thông số đánh giá chức năng phổi cho bệnh nhân (phải) trên máy đo Vmax của Mỹ |
Những việc làm trên cho thấy tinh thần làm việc hết mình, tận tâm của các thầy thuốc Bộ môn-Khoa C9. Họ thực sự hiểu, chia sẻ với người bệnh.
Vẹn tròn trách nhiệm người thầy
Kể từ năm 1969 đến nay đã tròn 45 năm. Ngày đầu mới thành lập khoa chỉ có một bác sĩ và mấy đồng chí quân y sỹ, đến nay khoa đã có gần 20 y, bác sĩ. Trong số đó có các PGS giữ cương vị Chủ tịch Hội Chẩn đoán chức năng (Hội Sinh lý học) Việt Nam và nhiều đồng chí có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II và là nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhiều năm gắn bó với Bộ môn-Khoa Chẩn đoán chức năng Đại tá, PGS,TS Vũ Đặng Nguyên, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn- Khoa nhớ lại: “Những năm đầu lực lượng mỏng, trang bị còn thiếu thốn, các thế hệ cán bộ, nhân viên đã nỗ lực nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Đến nay, ngoài công tác điều trị, nghiên cứu khoa học, Bộ môn-Khoa còn là một trong những địa chỉ hiếm hoi trong cả nước giảng dạy về chẩn đoán chức năng cho sinh viên đại học, sau đại học, cao học, chuyên khoa I, II và nghiên cứu sinh, hướng dẫn và chấm luận văn, luận án tốt nghiệp, đào tạo định hướng về chuyên ngành chẩn đoán chức năng cho các bác sĩ trong và ngoài Quân đội, cho bạn Lào, Campuchia...Rất mừng và đáng tự hào, Bộ môn-Khoa đã trở thành địa chỉ rất tin cậy của người học cũng như người bệnh”...
 |
PGS, TS Vũ Đăng Nguyên trao đổi, hướng dẫn kinh nghiệm cho lớp kỹ thuật viên trẻ. |
Giảng dạy hay điều trị, tất cả các xét nghiệm về chẩn đoán chức năng nói chung và theo chuyên ngành sâu (như chức năng thần kinh, tim mạch, hô hấp nội tiết, tiêu hóa, tiết niệu và siêu âm chuyên sâu mạch máu, thần kinh, cơ xương khớp....) bộ môn-khoa đều “gặt hái” những thành công. Một trong những đề tài khoa học được ứng dụng hiệu quả phải kể đến mà Khoa chủ trì thành công là đề tài nhánh cấp Nhà nước về ghép tạng. Các thầy thuốc của khoa đã trực tiếp tham gia vào các ca ghép (và theo dõi sau ghép) thận, ghép gan, ghép tim đầu tiên trên người tại Việt Nam thành công. Đặc biệt là các bệnh nhân sau ghép được theo dõi chu đáo, kỹ lưỡng các chỉ số sinh học, từ đó góp phần quan trọng vào chu trình điều trị, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân... Quá trình giảng dạy, “đặc tính” của những người thầy, cán bộ khoa học là luôn tìm tòi, cập nhật kiến thức y khoa mới nên bộ môn-khoa tích cực biên soạn, bổ sung 2 giáo trình chẩn đoán chức năng cho đại học (264 trang); đăng, in 2000 trang ở các giáo trình của học viện, nhà xuất bản y học khác…Bộ môn-khoa còn là thành viên tích cực của Hội Chẩn đoán chức năng, tham gia nhiều hội thảo, hội nghị chuyên ngành, mở rộng hợp tác với nhiều cơ sở y tế trong và ngoài quân đội, thắt chặt mối quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau về chuyên môn, kỹ thuật…
Câu chuyện giữa các thầy thuốc với chúng tôi liên tục gián đoạn khi các ca cấp cứu và bệnh nhân vào khoa khá đông. Bình quân một ngày khoa tiếp nhận 400 bệnh nhân; một năm thực hiện hơn 100 nghìn xét nghiệm chuyên sâu về điện tim, điện não, lưu huyết não, siêu âm tim, bụng, sản khoa, mạch máu, thông khí phổi, chuyển hóa cơ bản... Bảo đảm cấp cứu trong và ngoài giờ cho toàn bộ bệnh nhân của Bệnh viện khi có cấp cứu tim mạch, các rối loạn nhịp tim, ngừng tim, ngừng tuần hoàn và các bệnh lý cần phẫu thuật cấp cứu....Tất cả các “kết luận” từ Bộ môn-khoa Chẩn đoán chức năng phải đảm bảo tính chính xác, trung thực để từ đó có hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Có được kết quả trên, theo Đại tá, Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư chi bộ, Phó chủ nhiệm khoa là do cấp ủy, chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh đội ngũ đảng viên trong chi bộ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên luôn tích cực tự giác trong trau dồi phẩm chất y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mọi người đoàn kết, chung sức hoàn thành nhiệm vụ cao quý của người thầy thuốc chiến sĩ...
Bài và ảnh: ANH THU-DUY HỒNG