QĐND Online - Theo Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo.

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững tổ chức tại Ninh Bình, nhiều đại biểu đã chỉ dẫn những tiềm năng phát triển du lịch tâm linh của Việt Nam cũng như những lợi ích mà du lịch tâm linh mang lại cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên thế giới.

Điểm hẹn lý tưởng để phát triển du lịch tâm linh

Ông Zoltan Somogyu, Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới cho biết: Trong xu hướng phát triển của du lịch thế giới, du lịch tâm linh tiếp tục được nhấn mạnh. Những năm qua, lượng khách đi du lịch tâm linh không ngừng tăng cao, trong đó Việt Nam nổi lên là một đất nước có nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, khách du lịch tâm linh chiếm tỷ trọng khá lớn, trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu người, tương đương 41,5%. Những hoạt động tâm linh chủ yếu là: Hành hương đến những điểm tâm linh; tham quan vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian cảnh quan và không gian kiến trúc điêu khắc gắn với điểm tâm linh; tham gia lễ hội tín ngưỡng dân gian…

Có được những con số ấn tượng này là bởi, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng; sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước.

Khách du lịch tâm linh tại Đền Hùng (Phú Thọ).

Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân; hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất các hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Việt Nam đang chứng kiến sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội)…

Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với sự phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả.

Những lợi ích lớn!

Ngay trong bài phát biểu ở phiên khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề cập đến những lợi ích lớn mà du lịch tâm linh mang lại. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tôn giáo, góp phần gìn giữ hòa bình, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ hiệu quả cho việc tôn vinh, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản vật thể và phi vật thể của mỗi quốc gia cũng như của toàn nhân loại”.

Một góc chùa Bái Đính (Ninh Bình) -một trong những địa điểm hấp dẫn khách hành hương.

Không thể phủ nhận, du lịch tâm linh đang có những đóng góp nỗ lực vào việc xây dựng phát triển du lịch bền vững. Theo TS Daniel H.Olsen, Đại học Brandon (Ca-na-đa) từ quan điểm kinh tế, giống như hầu hết các thị trường du lịch đặc thù, du lịch tâm linh có thể tăng doanh thu cho điểm đến du lịch, tạo việc làm và khuyến khích hoạt động kinh doanh ở các điểm đến đón khách du lịch tâm linh; từ khía cạnh văn hóa-xã hội, du lịch tâm linh có thể đóng góp vào việc vượt qua các thành kiến văn hóa và khuyến khích mối quan hệ văn hóa “hữu nghị” hoặc xây dựng “mối quan hệ thân thiện” và cũng có thể góp phần vào mục đích quan trọng là sử dụng du lịch là công cụ kiến tạo hòa bình; từ góc độ môi trường, du lịch tâm linh có thể khuyến khích và hỗ trợ các tập quán bền vững về môi trường sinh thái.

Tạo mọi điều kiện phát triển du lịch tâm linh

Mặc dù mang lại những lợi ích không hề nhỏ nhưng du lịch tâm linh cũng giống như những loại hình du lịch khác, cũng đứng trước nhiều thách thức như: Yếu tố tâm linh có thể dễ bị thương mại hóa khi các biểu tượng tôn giáo và văn hóa có thể bị chiếm đoạt và đem bán; các địa điểm và các trải nghiệm tâm linh có nguy cơ bị hiểu sai và các nền văn hóa có thể bị vật thể hóa và bảo tàng hóa...

Để có thể phát huy tốt nhất những tiềm năng về du lịch tâm linh không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cần có chiến lược đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các chính sách tạo điều kiện cho du lịch tâm linh phát triển, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: "Việt Nam coi du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, một nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước".

Có thể nói, với việc Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trước sự phát triển của du lịch tâm linh. Những đóng góp của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới về định hướng phát triển du lịch tâm linh tại hội nghị sẽ là bài học quý giá cho Việt Nam áp dụng trong thời gian tới để phát triển du lịch tâm linh bền vững.

Bài, ảnh: THU THỦY

 

Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững