Trước đây, gia đình anh Điểu Thanh Dũng, người dân tộc S'Tiêng, ngụ tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, thuộc diện khó khăn, chủ yếu đi làm mướn. Đã thế, anh còn thường cùng một số người trong thôn uống rượu khiến kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Nắm được hoàn cảnh gia đình anh Dũng, năm 2019, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 778, Quân khu 7 phối hợp với các ban, ngành huyện Bù Gia Mập tặng anh con bò sinh sản và cử cán bộ, nhân viên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Anh Điểu Thanh Dũng cho hay: "Bộ đội vừa cho bò vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh nên cuộc sống gia đình ổn định hơn trước. Giờ tôi đã có thêm hai con bò. Gia đình tôi cảm ơn Đoàn KT-QP 778 nhiều lắm".
 |
Mô hình trồng tiêu thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. |
Gia đình anh Dũng là một trong số 78 hộ đồng bào DTTS ở huyện Bù Gia Mập được Đoàn KT-QP 778 phối hợp với UBND huyện Bù Gia Mập tặng 78 con bò sinh sản trong thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước từ năm 2019 đến nay. Giờ đây, nuôi bò sinh sản trở thành một trong những mô hình thoát nghèo của đồng bào DTTS ở huyện Bù Gia Mập.
Khảo sát tại cơ sở cho thấy, tùy đặc điểm địa bàn, các địa phương, ban, ngành tỉnh Bình Phước triển khai đa dạng hình thức hỗ trợ về y tế, giáo dục, vốn sản xuất, nhà ở, internet, nước sinh hoạt... cho các gia đình đồng bào DTTS. Tận dụng điều kiện tự nhiên có nhiều cánh đồng cỏ, cây cối xanh tốt quanh năm, UBND huyện Lộc Ninh đã tích cực hỗ trợ giống, kỹ thuật cho đồng bào dân tộc S'Tiêng, Khmer nuôi dê. Anh Điểu Thảo, người dân tộc S'Tiêng, ngụ tại xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, cho biết: "Nuôi dê sinh sản cũng dễ chăm sóc, cần chuồng cao ráo. Gia đình tôi có hai cặp dê sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ 2-3 con, mỗi con lúc xuất bán nặng 25-30kg. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm việc làm, thu nhập ổn định".
Tại huyện Phú Riềng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phân công hội viên có kinh nghiệm giúp đỡ các hội viên người DTTS phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2016 đến nay, các tổ chức hội đã vận động hơn 3.600 hội viên có kinh tế khá giúp hơn 4.000 hội viên kinh tế còn khó khăn bằng hỗ trợ cây, con giống trị giá hơn 6 tỷ đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 3.200 hội viên nghèo.
Trước tác động của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp Bình Phước đã triển khai nhiều mô hình trồng cao su, hồ tiêu, cây ăn quả an toàn. Theo đó, từng địa phương có chính sách hỗ trợ con giống, nông cụ, phương tiện, tập huấn kỹ thuật, phân công cán bộ bám địa bàn, liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, địa phương đã trồng, duy trì hiệu quả hơn 12.000ha cây ăn quả, hơn 419.400ha cây công nghiệp, khắc phục tư tưởng sản xuất manh mún, tự phát, giúp bà con DTTS thoát nghèo, xây dựng nhiều thương hiệu nông sản đặc trưng của Bình Phước... Nhờ vậy, các hộ đồng bào DTTS vẫn ổn định cuộc sống, tích cực gửi nông sản hỗ trợ người dân khó khăn vùng tâm dịch.
Trong triển khai các chương trình giảm nghèo, tỉnh Bình Phước huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời phối hợp tốt với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trong hỗ trợ người DTTS thoát nghèo, bao tiêu sản phẩm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là chính sách thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế... Trong 9 tháng năm 2021, Bình Phước đã giảm được hơn 3.100 hộ nghèo.
Theo đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức, diện mạo nông thôn, giảm tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội; phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh các địa phương, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các địa phương và giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, xây dựng Bình Phước phát triển bền vững.
Bài và ảnh: DUY HIỂN - VĂN CHINH