Từ một quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào, giờ đây, nhiều lúc, nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam, người dân còn thiếu cả nước phục vụ các nhu cầu tối thiểu. Đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về “giá trị của nước” ở Việt Nam để nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nước, hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá bậc nhất với sự sống này...
Bài 1: Sản xuất, đời sống đảo lộn vì thiếu nước sạch
Từ những rẫy cà phê luôn xanh tốt, cho năng suất cao bên những mương nước tự chảy quanh năm, giờ đây, nhiều rẫy cà phê ở huyện Ia Grai (Đắc Lắc) đã không còn nguồn nước để tưới khi sông, suối lớn mùa khô là kiệt nước; người dân khoan xuống hàng trăm mét sâu cũng không tìm được mạch nước ngầm. Năng suất cà phê giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao dẫn tới người trồng cà phê lỗ vốn ngày càng nặng, phải phá bỏ cà phê để trồng cây khác. Hay tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), duyên hải Bắc Bộ, ven biển miền Trung ngày càng nặng, khiến người dân phải dành dụm từng lít nước cho ăn uống; tình trạng ô nhiễm nguồn nước gây hại cho sức khỏe người dân, “làng ung thư” xuất hiện ngày càng nhiều... Những hình ảnh đó cho thấy một điều rất rõ ràng: Sản xuất, đời sống của người dân nước ta ở nhiều nơi đang bị đảo lộn vì thiếu nước sạch!
Phá cả rẫy cà phê vì thiếu nước
Người đàn ông đen nhẻm đang thoăn thoắt cầm kìm tỉa những cành cà phê cằn cỗi, nở nụ cười thân thiện khi thấy tôi tiến vào rẫy cà phê bắt chuyện. Nghe tôi hỏi về tình hình nắng hạn, anh dừng tay, chỉ xuống đôi giày đi dưới chân đang dấp dính đất đỏ: “Năm nay, trời thương nông dân, cho mưa sớm, chú ạ! Mọi năm cứ phải đến tháng 4 mới có mưa. Năm nay, mới cuối tháng 2 đã có mưa rồi. Một trận mưa “vàng” hơn 30 phút tối qua giúp nông dân chúng tôi tiết kiệm được 2,5 triệu đồng tiền điện bơm nước tưới cho mỗi héc-ta cà phê”.
Người đàn ông đó là Phùng Sỹ Cát (51 tuổi, trú tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ông Cát quê ở Đan Phượng (Hà Nội), vào Gia Lai lập nghiệp, trồng cà phê đã được 33 năm. Trong ký ức của ông Cát, hồi mới vào Gia Lai lập nghiệp, việc trồng cà phê không cực nhọc như bây giờ vì không khi nào thiếu nước. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình nắng hạn càng ngày càng trở nên khốc liệt; sông, suối, hồ, đập chỉ đến tháng 3 hầu như đã cạn kiệt mà cây cà phê tiêu thụ rất nhiều nước. Bởi vậy, năng suất cà phê ngày càng giảm sút. “Ngày xưa, mỗi héc-ta cà phê cho thu hoạch 18-20 tấn, giờ năng suất chỉ đạt 12-13 tấn. Năng suất giảm, trong khi chi phí tìm nguồn nước, vận hành máy bơm tưới nước ngày càng cao nên thu nhập của nông dân ngày càng kém”, ông Cát buồn rầu kể.
 |
Người dân miền Tây thiếu nước sinh hoạt vì hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Vậy mà gia đình ông Phùng Sỹ Cát vẫn còn được coi là may mắn so với người trồng cà phê ở nhiều nơi vì đất ở Ia Sao màu mỡ hơn và việc tìm nguồn nước tưới cũng dễ dàng hơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Tạo (70 tuổi, quê Thái Bình) đang sở hữu gần 3ha đất rẫy ở vùng Ia Blan (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thuộc vùng đất pha sỏi cằn cỗi, cách xa nguồn nước nên những năm gần đây các rẫy cà phê của gia đình ông chỉ cho năng suất 6-7 tấn/ha. “Vùng này mấy năm nay hạn đến mức các con suối lớn cũng cạn khô. Trước đây, ở vùng đầu nguồn, người ta trồng ít cà phê nên vùng rẫy phía dưới của chúng tôi mương nước lúc nào cũng chảy quanh năm, chả cần bơm. Giờ thì suối lớn, suối bé đều cạn rồi; chúng tôi phải bơm 2-3 chặng mới đưa được nước về rẫy; nhiều khi cũng chả có nước mà bơm”, ông Tạo than thở.
Vì khó khăn về nguồn nước, người dân ở Ia Blan thử khoan giếng tìm nguồn nước, nhưng nhiều nhà khoan sâu đến hơn 100 mét ở các vị trí khác nhau mà không tìm được mạch nước. Nhà ông Tạo may mắn hơn khi “chỉ khoan sâu đến 73m đã có nước”. Có điều, gần 3ha rẫy nhà ông Tạo chỉ khoan duy nhất được 1 giếng có nước, đủ tưới cho khoảng 1ha. Cực chẳng đã, gia đình ông Tạo phải chặt bỏ cả rẫy cà phê, chuyển sang trồng điều. “Cây điều không ưa nhiều nước. Chúng tôi chỉ tưới điều khi cây còn nhỏ, đợt hạn chỉ tưới 1-2 lần để "dìu" cây lên. Mỗi gốc cây chỉ cần tưới khoảng 50 lít nước. Cà phê chỉ tối thiểu tưới 200 lít/gốc. Khi cây điều lớn, chúng tôi không cần tưới nước nữa, kể cả lúc nắng hạn”, ông Tạo giải thích lý do chọn cây điều thay cây cà phê.
Khủng hoảng nước xảy ra ở nhiều nơi
Không riêng Tây Nguyên “khát nước” mỗi khi mùa khô đến, nhiều nơi khác, nước ngọt, nước sạch cũng là thứ rất quý giá với người dân nước ta.
Khu vực ĐBSCL, mực nước sông Mê Công sụt giảm không chỉ khiến người dân mất đi sinh kế suốt mùa lũ trong các năm mà còn khiến nước biển xâm nhập sâu hơn vào đất liền, gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản. Mùa khô hạn năm nay, độ mặn xâm nhập ở khu vực ĐBSCL không cao như năm trước, nhưng xâm nhập vào đất liền sâu hơn, có nơi lên tới 88km. Nước mặn xâm nhập khiến người dân trong vùng thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
 |
Gia đình chị Tăng Thị Bích (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) tỉa cây cà phê có dấu hiệu héo lá. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Khu vực Đồng bằng duyên hải Bắc Bộ và ven biển miền Trung cũng thường xuyên phải đối đầu với các đợt khô hạn kéo dài vào mùa khô khiến sông, ngòi, hồ, ao cạn nước; ruộng đồng nứt nẻ, cây trồng khô héo. Trái lại, vào mùa mưa bão, mưa lớn thường gây lũ lụt nghiêm trọng; cây trồng, vật nuôi chết vì ngập nước; người dân thiếu nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Nước biển dâng cũng khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền khu vực ven biển, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng phải chịu cảnh thiếu nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt do nguồn nước ô nhiễm. Nhiều con sông trước đây vốn là nguồn nước tưới tiêu chủ yếu cho nông dân nay trở thành những dòng sông "chết" do bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước ngầm ở nhiều nơi cũng bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ nguồn nước mặt ô nhiễm và phương thức chôn lấp rác thải lạc hậu. Người dân canh tác vốn dựa chủ yếu vào các nguồn nước tự nhiên như: Ao, hồ, sông, suối, giếng khoan, giếng đào để sản xuất, sinh hoạt. Nay các nguồn nước tự nhiên đó đã bị ô nhiễm nặng, đe dọa tới sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân. Danh sách những “làng ung thư” ngày càng nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Theo các khảo sát, nhất là đánh giá của Ngân hàng thế giới, trong 25 năm tới, dân số Việt Nam tăng, 2/3 số dân sinh sống tại 3 lưu vực sông lớn là: Sông Hồng-Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai; nhu cầu khai thác, sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp hai lần so với hiện nay. Tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam tăng 32% vào năm 2030 so với hiện tại. Căng thẳng về nước được dự báo sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn tại các lưu vực kinh tế trọng điểm ở nước ta...
Tất cả thực trạng nêu trên cho thấy, việc đáp ứng đủ nhu cầu về nước ngọt, sạch, đạt tiêu chuẩn cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam thực sự là thách thức lớn, đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm an ninh nguồn nước cho hiện tại và con cháu chúng ta sau này.
(còn nữa)
NGUYỄN CHIẾN THẮNG - HOÀNG GIA MINH