QĐND - Ở Việt Nam, có tới hơn 1/3 số thanh niên chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai. Năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên (VTN) là 46/1000. Mang thai tuổi VTN không chỉ khiến các em phải từ bỏ ước mơ học hành mà còn đối mặt với nguy cơ về sức khỏe (sinh non, tiền sản giật, thậm chí tử vong…).

Thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn, Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, số lượng câu hỏi xin tư vấn về tình dục-sức khỏe sinh sản chiếm tỷ lệ khá cao và khá đa dạng, khoảng gần 30% tổng số các cuộc gọi đến. Các đối tượng xin tư vấn đa số ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 và các bậc cha mẹ có con ở tuổi dậy thì.

Đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Phó cục trưởng Cục Quân y khám và tư vấn sức khỏe sinh sản cho bà con xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trường Giang.

Chị Lan Hương, cán bộ tư vấn ở Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em "Phím số diệu kỳ 1800 1567" cho biết: Vài năm trở lại đây, tổng đài nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các em nhỏ tuổi vị thành niên, thậm chí có em chỉ trên dưới 10 tuổi. Đa phần các em gặp phải băn khoăn, khúc mắc trong chuyện tình yêu, tình bạn hoặc tâm sự về việc đang yêu người này, muốn bỏ người kia. Đáng chú ý là có những em gái mang thai ở tuổi còn quá nhỏ, có em 12 tuổi đã quan hệ tình dục (QHTD). Thực tế cho thấy, nhiều em yêu và QHTD quá sớm trong khi không hề có kỹ năng bảo vệ mình. Các em cho rằng, QHTD là thể hiện và để đáp lại tình cảm mà bạn khác giới dành cho mình. Đáng lo ngại nữa là nhiều em nữ nhỏ tuổi đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần; thậm chí có em tin rằng sau quan hệ, chỉ cần nhảy dây, nhảy từ trên giường xuống đất 9 lần, rửa bằng chanh… sẽ không mang thai.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho rằng: Có thai ở tuổi VTN sẽ để lại hậu quả rất nặng nề. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo Tổng cục Dân số-KHHGĐ, mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai.

Hậu quả nặng nề

Báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây cho thấy, thực trạng phá thai to ở VTN chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 10% trong tổng số ca phá thai; các trường hợp phá thai to gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên. Theo các chuyên gia y tế - dân số, với con số mang thai VTN và nạo hút thai nêu trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Cơ thể các em nữ ở tuổi VTN chưa hoàn thiện, nên khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bản thân và cái thai trong bụng. Nếu nạo thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con, gây vô sinh sau này.

Mang thai ở tuổi VTN do nhiều nguyên nhân: Do công tác giáo dục chưa tốt, môi trường xã hội nhiều thay đổi theo lối sống hiện đại, từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực, tảo hôn, ép hôn... Nó cũng thể hiện công tác bảo vệ quyền cho trẻ em gái VTN chưa tốt. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Chúng ta cần thực hiện đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái VTN, đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em. Việc này sẽ tạo ra vô số tác động tích cực tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi VTN - một tình trạng có thể dẫn tới nhiều nguy hiểm.

HÀ VŨ