Xã Thái Xuyên (huyện Thái Thụy, Thái Bình) có nghề mây tre đan từ những năm 30 của thế kỷ 20. Đến những năm 60, 70 nghề mây tre đan ở địa phương này phát triển mạnh và đã thành lập các hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất mặt hàng mây tre đan ở các thôn Lục Nam, Lục Bắc, Lũng Đầu. Những sản phẩm do địa phương làm ra đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Thế nhưng, đến đầu những năm 90, tình hình
QĐND - Xã Thái Xuyên (huyện Thái Thụy, Thái Bình) có nghề mây tre đan từ những năm 30 của thế kỷ 20. Đến những năm 60, 70 nghề mây tre đan ở địa phương này phát triển mạnh và đã thành lập các hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất mặt hàng mây tre đan ở các thôn Lục Nam, Lục Bắc, Lũng Đầu. Những sản phẩm do địa phương làm ra đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Thế nhưng, đến đầu những năm 90, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, thế là cái nghề từng gắn bó với người nông dân quê nghèo cứ mai một dần.
Trước tình hình đó, anh Tạ Thanh Bình, Phó chủ nhiệm HTX mây tre đan Thái Xuyên đã trăn trở, tìm biện pháp để vực dậy nghề truyền thống của quê hương. Năm 2001, anh Bình đứng ra thành lập doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình, với việc tận dụng nhà xưởng ở chính nhà dân, cho người lao động nhận nguyên liệu và mẫu mã về nhà để tận dụng thời gian và lao động nhàn rỗi, anh đã giải quyết được nỗi lo về mặt bằng sản xuất và kho chứa hàng. Ngoài ra, người lao động cũng có thể tranh thủ làm cả ban đêm, người già và trẻ em đều có thể góp sức lao động làm tăng thu nhập gia đình. Từ mô hình các tổ sản xuất theo khu vực thôn, xóm với khoảng 30 đến 80 lao động/tổ, đến nay quy mô sản xuất của doanh nghiệp đã trải rộng khắp trong và ngoài tỉnh ở 160 xã với hơn 20 ngàn lao động vệ tinh.
 |
Công nhân làm việc tại doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình. |
Hiện tại, doanh nghiệp của anh Bình đã có một “ngân hàng mẫu” mây tre đan xuất khẩu với đầy đủ mẫu mã, chủng loại. Anh Bình tâm sự: “Mỗi một sản phẩm khi đã hoàn thành đều qua sấy khô, quang dầu, tạo độ bóng, sản phẩm được cách điệu hơn khi nhuộm màu đan xen kẽ nhau tạo nên những trang trí đặc sắc. Đặc biệt, việc đi sâu vào khai thác và sử dụng ruột mây để tạo dáng sản phẩm, kết hợp với cói, đay đã đem lại nét riêng độc đáo của hàng mây nơi đây so với hàng mây của các làng nghề khác trên cả nước”. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp đạt từ 30 đến 35 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách từ 2 đến 2,5 tỷ đồng. Đến nay, những sản phẩm mây tre đan của doanh nghiệp Thanh Bình thường xuyên có mặt ở các nước Nhật Bản, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Tây Âu và trở thành bạn hàng “ruột” của một tập đoàn kinh doanh đồ mỹ nghệ Nhật Bản.
Bài và ảnh: KHỔNG VŨ