Khó khăn trăm bề

Không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, bao gồm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, phân phối, dịch vụ tiêu thụ trực tiếp... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam, hiện ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống đang đứng trước nhiều khó khăn. Cụ thể, sau một thời gian dài do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù, bao gồm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khiến thị trường tiêu thụ thu hẹp, doanh thu toàn ngành năm 2020 giảm tới 16% so với năm 2019.

leftcenterrightdel
Dây chuyền sản xuất nước giải khát tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát.  Ảnh: THU LIỄU 

Thêm vào đó, gần đây, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm trầm trọng hơn những khó khăn của ngành đồ uống. Giá nhiên liệu tăng mạnh, giá nguyên liệu tăng phi mã, điển hình như nguyên liệu chính để sản xuất bia là đại mạch đã tăng tới 40-50%, các nguyên liệu khác, như: Vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất... tăng trung bình 15%-35% và đà tăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt... “Trong điều kiện bình thường mới, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành đồ uống vẫn chưa thể phục hồi như trước do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Nhiều DN đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn”, ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Khó khăn khác được đại diện các DN đề cập là, hiện nay có kiến nghị, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số sản phẩm, như: Đồ uống có cồn, thuốc lá... Theo đại diện các DN, sau đại dịch, DN cần có thời gian phục hồi, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho DN như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế-xã hội.

Nên áp dụng cơ chế tính thuế gắn liền với nồng độ cồn?

Trước những khó khăn của ngành đồ uống, Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Theo đó, DN cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phát triển. Trước khi đề xuất các chính sách mới, cơ quan quản lý cần tham vấn rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là DN chịu tác động, để bảo đảm các chính sách mới có cơ sở, khoa học, tính khả thi, phù hợp với quốc tế, có lộ trình phù hợp. “Sự hỗ trợ từ Chính phủ đối với các DN trong ngành đồ uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt là việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế, phí đối với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới”, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát kiến nghị.

Từ góc độ DN đối với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới áp dụng cơ chế tính thuế gắn liền với nồng độ cồn, nồng độ càng cao thì nguồn thuế thu được càng lớn. Đây là cơ chế công bằng, minh bạch hơn, dễ dàng dự đoán và giúp ngân sách nhà nước tăng trưởng bền vững, hiệu quả hơn so với cơ chế tính thuế theo giá trị, vừa tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, vừa điều chỉnh hành vi lạm dụng rượu, bia. Các quốc gia thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế tính thuế theo giá trị sang nồng độ cồn đều đã giảm được tình trạng tiêu dùng rượu, bia bất hợp pháp và tạo tăng trưởng bền vững cho ngân sách nhà nước. Cùng góp ý về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, có một thực tế là nhiều năm nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, thất thu ở khu vực phi chính thức. Do vậy, cần tìm giải pháp kiểm soát thị trường phi chính thức để phát triển lành mạnh thị trường đồ uống.

MINH ĐỨC