QĐND Online - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường kiểm soát nợ xấu bằng việc áp dụng Thông tư 09 với nhiều điểm chặt chẽ hơn. Xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề nóng bỏng trên nhiều diễn đàn. Trong khi những giải pháp mang tính chất lâu dài đang được tiếp tục triển khai thì việc trích lập dự phòng rủi ro cũng được các Ngân hàng Thương mại (NHTM) quyết liệt thực hiện.

Ảnh minh họa/vneconomy.vn

Nợ xấu giảm liên tiếp xuống còn 3,88%

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã giảm dần qua 4 tháng, từ mức 4,17% tại thời điểm cuối tháng 6-2014. Sau khi Thông tư 09-2014/TT-NHNN (thông tư bổ sung một số điều của thông tư 02-2013/TT-NHNN), quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những quy định chặt chẽ và có những tiêu chuẩn cao hơn, chính thức được áp dụng.

Theo bà Hồng, nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9-2014, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,88%. Con số này tại thời điểm cuối tháng 6 là 4,17%; cuối tháng 7 là 4,11% và cuối tháng 8 là 3,9%.

Quyết liệt trích lập dự phòng

Điểm đặc biệt trong các báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại công bố thời gian qua cũng cho thấy, hàng nghìn tỷ đồng đã được trích ra từ lợi nhuận quý II để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng đột biến so với quý I và cùng kỳ năm ngoái. Khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đang có mức trích dự phòng rủi ro lớn nhất. Riêng số trích lập của Ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank trong quý II/2014 lên tới trên 4.085 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Ngân hàng OceanBank đưa mức trích lập dự phòng tăng lên 165 tỷ đồng, trong khi năm trước được hoàn nhập 12,6 tỷ đồng.

Ông Phạm Quang Dũng, ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Vietcombank cũng cho biết: “Sau khi áp dụng Thông tư 09 mức nợ xấu của Vietcombank có xu hướng tăng lên, chúng tôi cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi do tín dụng đạt mức gần 100%. Cụ thể, tính đến tháng 6-2014, số nợ xấu của Vietcombank hiện ở mức  9.032 tỷ đồng, nhưng chúng tôi cũng đã trích lập dự phòng số tiền trên 8.700 tỷ đồng. Tới đây chúng tôi cũng sẽ tăng cường trích lập dự phòng để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% như quy định của NHNN”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho rằng, việc gia tăng trích lập dự phòng, báo cáo nợ xấu theo quy định mới đã làm cho các ngân hàng bị giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết ở thời điểm này để tránh dồn cục khi tới thời điểm quy định bắt buộc.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để giảm tỷ lệ nợ xấu về mức 3% vào năm 2015, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng trích lập dự phòng rủi ro để giảm nợ xấu.  Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết: NHNN đang phối hợp với các bộ, ban ngành trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 để tháo gỡ khó khăn cho xử lý nợ xấu. Riêng việc mua bán nợ theo giá thị trường,Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đang xây dựng để sắp tới trình Chính phủ "Với những giải pháp đã và đang thực hiện thời gian tới, hy vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm ở mức hợp lý".

HÀ PHƯƠNG