QĐND - Xã Phúc Sen nằm bên Quốc lộ 3, thuộc địa phận huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Xã có 10 thôn, bản với hơn 400 hộ dân thì 6 thôn, bản với gần 160 hộ làm nghề rèn, trong đó hầu hết là các gia đình người Nùng An.

Bà con Phúc Sen rất tự hào về làng nghề lâu đời của họ. Thuở ban đầu, thế hệ cha ông làm dao để đốn củi; sản xuất nông cụ. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phúc Sen bí mật sản xuất dao găm, mã tấu, lựu đạn và một số loại vũ khí cho dân quân và du kích đánh giặc. Hòa bình, cho đến hôm nay, bà con sản xuất đủ các loại vật dụng gia đình bằng kim loại (dao, kéo, búa, rìu, cào, cuốc...). Sản phẩm được bày bán dọc đường qua làng nghề. Dao thái nhỏ giá 15-20 nghìn đồng/con, dao pha giá từ 120-140 nghìn đồng/con. Búa to giá 250 nghìn đồng/cái. Búa nhỏ 150 nghìn đồng. Rìu bổ củi có 3 loại: 180 nghìn đồng, 140 nghìn đồng và 120 nghìn đồng/cái. Hiện tại, thu nhập bình quân của lao động thợ rèn ở đây khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng, đời sống đồng bào ngày một được cải thiện, hạn chế tệ nạn, tiêu cực. Điều kiện kinh tế xã hội như trên đã tạo thành một trong những nét văn hóa đặc sắc ở Phúc Sen: Văn hóa nghề rèn với những sản phẩm "độc nhất vô nhị".

Lò rèn của hộ ông Nông Văn Vần ở Phúc Sen.

Trước hết, phải nói đến chữ tín bản nghề Phúc Sen. Việc sản xuất hàng rèn qua các thời kỳ có thể đổi mới công nghệ nhưng cái đích đều phải là chuẩn xác về độ bền, độ sắc. Một số chủ lò rèn chứng minh lưỡi dao Phúc Sen gia truyền bằng cách kéo nó chạy ngang trên móng tay cái của mình, rồi hướng dẫn khách hàng làm theo để biết một sự thật: Lưỡi dao Phúc Sen phẳng mượt, nếu có gợn vấp thì không phải là dao Phúc Sen. Ông Nông Văn Vần-chủ một lò dao ở xóm Thanh Minh thì dùng lưỡi con dao này gọt lưng con dao khác để chứng tỏ: “Dao Phúc Sen không quen sứt mẻ”. Thợ rèn Phúc Sen không “bán danh 3 đồng”. Sản phẩm của họ đều được đóng dấu ghi tên chủ lò, in thương hiệu đặc thù, có hai chữ cái NL, viết tắt quý danh của cụ Nông Lương-một nghệ nhân làng rèn Phúc Sen, nổi tiếng sinh thời cho đến tận hôm nay. Cụ đã đào tạo được những lớp thợ rèn có đức độ, có kỹ thuật siêu việt. Tuy nhiên, không phải người thợ rèn nào ở Phúc Sen cũng có thể tùy tiện in tên vào sản phẩm.

Văn hóa chế tác sản phẩm rèn Phúc Sen cũng phong phú. Ông Nông Văn Vần cho biết: Sự khác biệt về chất lượng dao, kéo, búa... của làng rèn Phúc Sen so với sản phẩm cùng loại ở vùng khác là do người Nùng An tìm được thép tốt và có kỹ thuật tôi luyện đặc biệt. Dao Phúc Sen lấy thép nhíp ô tô làm bản. Họ chọn mua từ các cơ sở tập kết xe ô tô phế thải có danh tiếng ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và ở mãi trong Quảng Trị. Nhíp được phân loại theo các nhóm nước sản xuất như: Nhóm Nhật-Mỹ-Đức, nhóm Nga và các nước Đông Âu… Mỗi loại có đặc điểm, yêu cầu riêng về cách tôi luyện, lấy màu.

Hàng rèn của người Nùng An (Phúc Sen) đã nhiều lần dự hội chợ thương mại ở một số tỉnh, trong đó có Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội và đã được nhận huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ giữa lòng Thủ đô. Chính từ đạo đức truyền thống và uy tín của làng rèn Phúc Sen nên sản phẩm nông cụ của người Nùng An như có cánh bay đi mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài. Khách hàng mang con dao, cái búa... Phúc Sen về nhà là mang một tác phẩm văn hóa dân tộc về theo.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG