Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Mua muối đầu năm là mong sự mặn mà, no ấm cho gia đình trong cả năm dài tiếp tới. Nét phong tục này đã được gìn giữ và trở thành quan niệm đẹp đẽ lâu đời của người Việt...
QĐND - Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Mua muối đầu năm là mong sự mặn mà, no ấm cho gia đình trong cả năm dài tiếp tới. Nét phong tục này đã được gìn giữ và trở thành quan niệm đẹp đẽ lâu đời của người Việt.
Việc mua muối đầu năm của mỗi gia đình thường bắt đầu trong buổi sớm ngày Mồng Một Tết. Hầu hết mọi người đều háo hức mua muối lấy may cho cả năm, không ai kỳ kèo, mặc cả. Đầu năm, người ta thường mua một bát muối đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.
 |
Mua muối đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt.Ảnh minh họa: giadinh.net.vn. |
Có người quan niệm, hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết, ấy cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp. Hạt muối tuy nhỏ, ít giá trị kinh tế nhưng mang trong mình ý nghĩa văn hóa phi vật thể thiêng liêng. Bởi lẽ, trong những thứ mặn mà, chẳng có gì sánh được bằng… muối, mà mối quan hệ tình cảm nào cũng cần có sự quan tâm, mặn mà như thế. Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt. Để mỗi độ Tết đến, người người lại ngóng chờ tiếng rao mua muối, mua lấy một chút mặn mà, hào phóng lì xì thêm vài đồng lấy may cho những người “đi làm sớm nhất năm” để đổi lấy ước mong một năm mới an khang.
ĐỨC TÙY