Tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. Đứng trước những thách thức to lớn này, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế sạch-nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm, cách tiếp cận rất mới ở nước ta. Thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Để làm được điều này đòi hỏi phải giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, lợi ích môi trường và lợi ích xã hội.
Nhiều thách thức từ rác thải và ô nhiễm môi trường
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang duy trì theo hướng truyền thống, nghĩa là sản xuất nhiều, sử dụng và tiêu hao nhiều năng lượng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế phát triển bao nhiêu thì thiên nhiên bị tàn phá và ô nhiễm bấy nhiêu. Theo tính toán của các chuyên gia, để khai thác 1 tấn than lộ thiên thì phải bóc tách khoảng 5m3 đất đá; để sản xuất 1 tấn bột giấy nguyên liệu từ tre, nứa, gỗ thì cần 5m3 nguyên liệu và một khối lượng hóa chất lớn. Những con số này đưa ra để thấy, quá trình phát triển kinh tế đã tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái như thế nào!
Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong thời gian qua, kinh tế nước ta tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Quá trình sản xuất còn tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và kèm theo đó là phát thải nhiều chất thải. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên chưa hợp lý, chưa tiết kiệm. Môi trường đã và đang có nguy cơ bị ô nhiễm, một số khu vực đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng...
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí nguyên liệu và mức phát thải trung bình trong sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn nhiều so với mức trung bình ở khu vực và thế giới. Theo thống kê, cả nước có gần 32.000 tấn chất thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở khu vực đô thị, con số này ở khu vực nông thôn là 12.000 tấn. Dự báo đến năm 2025, lượng chất thải ở nước ta khoảng 100 triệu tấn/năm, trong đó gồm chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, y tế... Tình trạng chất thải chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường đã và đang trở thành những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta.
Các sản phẩm tái chế được trưng bày tại Ngày hội tái chế chất thải lần thứ 9, năm 2016. Ảnh: Khiêm Huân
Hướng tới xã hội không còn chất thải
Trước những thách thức về sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, khái niệm về một nền kinh tế mới, nền kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều tổ chức, chính phủ trên toàn cầu. Đây là mô hình phát triển nền kinh tế lấy tái sử dụng nguồn nguyên liệu, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tối đa ảnh hưởng tới môi trường làm trọng tâm.
Chia sẻ về cách tiếp cận mới này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Trung Hải (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định: Con người khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất, sản phẩm được xã hội tiêu thụ và chỉ một phần rất nhỏ quay trở lại để tái chế, còn lại gần như chúng ta thải bỏ. Sự gia tăng chất thải gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với bùng nổ dân số thì con người đang tiến dần đến giới hạn về tài nguyên thiên nhiên, đầu vào của sản xuất kinh tế. Hiện nay, mặc dù giá dầu đang rất thấp, nhưng trong tương lai, thế giới cũng không còn dầu để khai thác nữa. Đến một lúc nào đó, các nước trên thế giới cũng không thể tiếp nhận được chất thải, không còn chỗ để chôn lấp chất thải. Cùng với đó là vấn đề an ninh lương thực, đất đai khô cằn đặt ra trong tương lai không xa.
Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ chất thải là thứ đã thải bỏ và không thể sử dụng được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các loại chất thải trong sản xuất và sinh hoạt đều có thể tái sử dụng. Một số quốc gia đã đưa ra khẩu hiệu là tiến tới xã hội không còn chất thải hay chất thải an toàn. Vấn đề đặt ra ở nước ta nói riêng và các nước trên thế giới nói chung là cần phải thay đổi quan điểm về chất thải, coi chất thải là tư liệu sản xuất, đầu vào của nền kinh tế. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Trung Hải, tái chế chất thải chính là đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại. Tái chế có thể được coi là hoạt động kinh doanh và tạo ra hệ quả kép. Đó là giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi đưa chất thải quay trở lại đầu vào của nền kinh tế sẽ giảm được chi phí cho quá trình xử lý chất thải. Để hướng tới một xã hội không chất thải, con người cần khai thác ít tài nguyên thiên nhiên và chất thải sau khi được tái chế, tái sử dụng thì lượng chất thải cuối cùng gần như bằng không.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là vấn đề đã được các cấp, các ngành ở nước ta rất coi trọng và theo đuổi chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển cần có sự đồng thuận từ cả Nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả, không chỉ tốt cho môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điểm nghẽn lớn nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là có tới 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu vốn, thiếu công nghệ và khả năng đổi mới để áp dụng nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn.
Ngành công nghiệp tái chế nước ta có tiềm năng rất lớn, nhu cầu cho nguyên liệu phế thải gia tăng hằng năm khoảng 10-20%. Tuy nhiên, những năm qua, hoạt động tái chế chất thải ở nước ta nhìn chung vẫn ở mức nhỏ lẻ cả về quy mô, công suất. Hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải chưa được chú trọng, dẫn tới lãng phí nguồn nguyên liệu này. Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ phế thải lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu phế thải nhập ngoại. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp tái chế thấp, dẫn đến không thể mở rộng được thị trường và chỉ có thể tái chế được một số loại nguyên liệu, sản phẩm nhất định.
Điểm mấu chốt để hoạt động tái chế phát triển mạnh mẽ chính là phải cân bằng được lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp phải phát triển bền vững. Nếu chỉ có lợi ích môi trường mà không có lợi ích kinh tế thì quá trình này sẽ không khả thi, không thu hút được nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nền kinh tế tuần hoàn, chưa biết đến lợi ích mà nền kinh tế này mang lại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chế tài quy định và việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống chưa thực sự hiệu quả. Để có được một nền kinh tế sạch, đòi hỏi phải có quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ cũng như doanh nghiệp. Chính phủ cần xây dựng chiến lược để nước ta có thể sớm hình thành được nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai. Trong đó, cần có cơ chế khuyến khích các hoạt động có lợi cho xã hội và kiên quyết xử lý sai phạm.
MINH MẠNH