QĐND Online – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy tại buổi gặp mặt chiều 12-12, nhằm công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ 2014. Theo đó, các trường được tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD-ĐT qui định.
Bộ vẫn tổ chức “3 chung”
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Luật GD ĐH đã quy định về giao quyền tự chủ cho các trường ĐH và Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có đổi mới công tác thi cử, trong đó có thi tốt nghiệp và tuyển sinh. Do đó, đổi mới thi tuyển sinh là khâu đột phá.
 |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì buổi họp công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ 2014 |
Để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm diễn ra trong trật tự, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội cũng như sự lo lắng của học sinh và phụ huynh, Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các trường tổ chức tuyển sinh riêng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Khi đã tự chủ, tuyển sinh sẽ là nhiệm vụ của các trường, Bộ chỉ làm công tác quản lý, không còn cơ chế “xin cho”. Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo các nguyên tắc: Khuyến khích, tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh; Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường; từng trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung, điều kiện mà Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ quy định.
Tuy nhiên, để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”. Trường nào muốn sử dụng “3 chung” phải đăng ký, Bộ không bắt buộc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Trường tự lựa chọn phương thức thi tuyển
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo lần này tạo điều kiện tối đa cho các trường, mỗi trường sẽ tự quyết định một phương án tuyển sinh. Đó là tham gia kỳ thi chung do Bộ GD - ĐT tổ chức hoặc thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD- ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định và phương án “rất mở” thứ 3 mà Bộ đưa ra là đối với trường chưa có đề án tuyển sinh riêng, có thể thoả thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD - ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy, để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.
Như vậy, năm 2014, các trường có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng theo hình thức: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Những trường muốn tham gia tuyển sinh riêng phải đáp ứng được các tiêu chí/điều kiện của đề án tuyển sinh riêng. Đề án đó phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi… đáp ứng các yêu cầu của dự thảo; đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện việc tuyển sinh riêng; các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển phải rõ ràng… Đặc biệt không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh và có giải pháp chống tiêu cực khả thi.
Tuy nhiên, dù lựa chọn phương thức tuyển sinh nào, các trường cũng phải công khai và làm rõ các thông tin như: Môn thi, môn xét tuyển; hình thức thi, xét tuyển, lực lượng ra đề thi, công tác thanh tra; quy định rõ ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng…
Ngoài 3 phương thức tuyển sinh thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua: Phỏng vấn; viết luận; thực hành; kiểm tra năng khiếu… Đối với các hình thức kiểm tra bổ sung này, các trường cần làm rõ: Tiêu chí; điều kiện; nguyên tắc; nội dung; cách thức; các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất... để đảm bảo tính khả thi của phương án; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Không sử dụng kết quả “3 chung” vào thi riêng
Vấn đề lâu nay được nhiều người băn khoăn là liệu thí sinh dự thi “3 chung” có được dùng kết quả để tham gia xét tuyển tại kỳ thi riêng đã được Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Để đảm bảo tự chủ tuyển sinh, các trường phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực; trong một năm, các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần vào thời gian do Bộ GD-ĐT qui định. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác.
Tuy nhiên, khi đăng ký tuyển sinh riêng, trường không bắt buộc phải tổ chức tuyển sinh riêng tất cả các ngành mà có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Những khoa, ngành tuyển sinh riêng này không sử dụng kết quả kỳ thi “3 chung”.
Những trường dự kiến tuyển sinh riêng năm 2014 phải gửi đề án cho Bộ GDĐT trước ngày 10-2-2014 để báo cáo. Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tuyển sinh riêng hợp lệ, Bộ GD-ĐT sẽ có xác nhận bằng văn bản nếu đề án tuyển sinh riêng của trường đáp ứng các yêu cầu của dự thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Dự thảo này đưa ra nhằm lấy ý kiến góp ý rộng rãi của xã hội.
Bài, ảnh: THU HÀ