Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, trước mắt, DN cần nỗ lực trong việc tìm kiếm đơn hàng; phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do để bảo đảm sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm.
Đơn hàng mới giảm mạnh
 |
Ông Trương Văn Cẩm. |
Phóng viên (PV): Trong 6 tháng đầu năm, tình hình XK dệt may của Việt Nam ra sao, thưa ông?
Ông Trương Văn Cẩm: Trong nửa đầu năm 2019, ngành dệt may đạt tổng kim ngạch XK 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%; vải đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29,9%; xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD, tăng 1,1%... Về thị trường XK vải và may mặc thì Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71% (riêng Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 11,68%); EU đạt 2,05 tỷ USD, tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,59% chiếm tỷ trọng 8,91%.
 |
Sản xuất veston tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Minh Ngọc |
PV: Năm 2019, ngành dệt may đặt ra mục tiêu kim ngạch XK đạt 40 tỷ USD. Có nghĩa là trong 6 tháng cuối năm, ngành dệt may cần XK hơn 22 tỷ USD nữa. Theo ông, mục tiêu này liệu có khả thi?
Ông Trương Văn Cẩm: Đến nay, toàn ngành mới tăng trưởng chưa đến 9%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, ngành dệt may phải tăng trưởng 11-12% mới có thể đạt mục tiêu kim ngạch XK 40 tỷ USD cả năm 2019. Đây là mục tiêu rất khó.
Khác với các dự báo lạc quan về tình hình dệt may trong năm 2019, hiện tại tình hình đơn hàng của các DN không được khả quan. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Hết 6 tháng đầu năm, lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ diễn ra ở các DN vừa và nhỏ, thậm chí DN lớn cũng gặp tình trạng tương tự. Cùng với đó, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khả quan để hy vọng vì thường 6 tháng cuối năm là những tháng giao hàng nhiều, hàng hóa có giá trị cao như quần áo mùa đông, veston…
Để đạt được mục tiêu này, các DN sẽ phải cố gắng rất nhiều, nhất là trong việc tìm kiếm đơn hàng, bảo đảm sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, các DN trong ngành cần phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành… tạo điều kiện để DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Gấp rút hoàn thiện khâu nguyên liệu cho ngành dệt may
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến đơn hàng dệt may năm nay lại có sự sụt giảm đáng kể?
Ông Trương Văn Cẩm: Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới các DN khan hiếm đơn hàng là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành dệt may. Điển hình là XK sợi của Việt Nam. Trước đây, bình quân Việt Nam XK 1,5 triệu tấn sợi/năm, trong đó 60% sản lượng XK sang Trung Quốc. Do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng XK sợi chỉ đạt 1,1%, nguyên nhân chính do XK sợi sang Trung Quốc giảm. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhằm thu hút đơn hàng, các quốc gia cạnh tranh XK dệt may với Việt Nam đều áp dụng các chính sách hỗ trợ DN dệt may nội địa bao gồm giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu… Điều này gây khó khăn rất lớn cho DN Việt Nam.
PV: Về lâu dài, các DN dệt may Việt Nam cần làm gì để duy trì được sự tăng trưởng bền vững, thưa ông?
Ông Trương Văn Cẩm: Trên lý thuyết, các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành dệt may vì giúp thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm XK. Song một điều DN dệt may cần đặc biệt lưu ý, nếu muốn hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, cần đáp ứng được nhiều quy tắc, nhất là quy tắc xuất xứ hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khó tính của khách hàng.
Do đó, để phát triển bền vững, DN dệt may Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện chuỗi cung ứng. Hiện nay, khâu dệt, nhuộm-một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng lại ít được đầu tư. Các địa phương không mặn mà với các dự án dệt, nhuộm vì lo ngại vấn đề môi trường. Chính vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xây dựng quy hoạch để hình thành một số khu công nghiệp dệt may trọng điểm, hoàn thành chuỗi khép kín sợi-dệt-nhuộm-may. Trong đó, cần hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này. Đây sẽ là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề ô nhiễm, thu hút đầu tư, giải tỏa được lo ngại của địa phương, từ đó sẽ giải quyết được nguồn nguyên liệu cho dệt may.
Về phía DN, ngoài việc chủ động về nguồn nguyên liệu, DN cần nâng cao khâu thiết kế. Hiện nay, khâu thiết kế là khâu rất yếu của ngành dệt may. Nhiều nhãn hàng nội địa nổi tiếng tại thị trường trong nước nhưng cũng không thể XK bằng chính thương hiệu nên giá trị gia tăng không cao.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MINH ĐỨC (thực hiện)