Thị trường ổn định, cân đối cung - cầu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản lượng lúa năm 2020 đạt 42,8 triệu tấn, thủy sản 8,4 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2019; sản lượng thịt các loại đạt 5,37 triệu tấn (tăng 3,5% so với năm 2019); trứng gia cầm 14,7 tỷ quả (tăng 6,6% so với năm 2019); sữa 1,1 triệu tấn; sản lượng rau các loại 18 triệu tấn (tăng 2,1% so với năm 2019)... Với sản lượng như vậy đủ đáp ứng xuất khẩu và nhu cầu của thị trường trong nước. Riêng với sản phẩm chăn nuôi, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng các loại sẽ tăng từ 5 đến 10% so với các thời điểm khác trong năm (khoảng 250-300 nghìn tấn/tháng, khoảng 1-1,1 tỷ quả trứng gia cầm)... Việc duy trì đàn gia súc, gia cầm (520 triệu con), đặc biệt, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng ở gia súc, cúm gia cầm) được kiểm soát chặt chẽ nên về cơ bản, thị trường sẽ ổn định, cân đối cung-cầu, bảo đảm không bị thiếu hụt thực phẩm. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành nông nghiệp luôn bảo đảm đầy đủ cả về số lượng, chất lượng lương thực, thực phẩm phục vụ người dân, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Về vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ý thức của người tiêu dùng ngày càng nâng cao, đặc biệt sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, không còn tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục tập trung vào công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng và bảo đảm VSATTP, trong đó, việc kiểm soát tồn dư hàm lượng kim loại nặng, các loại hóc môn tăng trưởng được tiến hành chặt chẽ. Cũng trong năm 2020, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất tốt, đây cũng chính là nguyên nhân giúp ngành chăn nuôi tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã có 430.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam), 6.045 doanh nghiệp, 664 cơ sở nuôi thủy sản (diện tích nuôi thủy sản 15.833ha); 816 trang trại, 1.249 hộ chăn nuôi đã có chứng nhận VietGAP hoặc các loại chứng nhận tương đương (Global GAP)... Ngoài ra, cả nước đã xây dựng và phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên toàn quốc; 2.088 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Những chuỗi cung ứng và sản phẩm OCOP này góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là bảo đảm VSATTP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
 |
Gian hàng giới thiệu thịt lợn mát của Masan ở Hà Nội. Ảnh: DIỆP ANH
|
Giá lợn tăng vì sao?
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến cuối tháng 12-2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con. Đặc biệt, có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn (CP, Dabaco, Mavin, Masan, Hòa Phát, GreenFeed, CJ, Công ty Japfa, Hùng Nhơn...) chiếm 23% tổng đàn lợn thịt với 5,5 triệu con. Số lượng lợn của các doanh nghiệp này so với trước khi xảy ra dịch đạt 170% và đạt 164% so với đầu năm 2020. Bên cạnh đó, 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có sự tăng đàn lợn đạt trên 100%; đặc biệt, tỉnh Bình Phước có sự tăng đàn mạnh nhất và đạt hơn 1,3 triệu con, tỉnh Đồng Nai-“thủ phủ” chăn nuôi đạt hơn 2 triệu con. Việc phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát dịch tốt đã góp phần tăng đàn lợn trong năm 2020 và đạt kế hoạch phát triển tái đàn lợn theo yêu cầu đề ra của Bộ NN&PTNT.
Giải thích về tình giá lợn tăng nhẹ trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: "Nguồn cung lợn tăng do tăng tái đàn chăn nuôi trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được các địa phương kiểm soát tốt. Do vậy, giá thịt lợn hơi cuối quý III và đầu quý IV-2020 đã giảm xuống theo đúng kịch bản dự báo từ đầu năm 2020. Tuy nhiên gần đây, giá thịt lợn tăng lên là do thời điểm này hằng năm, nhu cầu thịt lợn tăng cao phục vụ chế biến sâu và nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Nhu cầu thịt lợn sẽ thấp hơn từ ngày 25-12 âm lịch đến rằm tháng Giêng. Đây là thời điểm nhu cầu thực phẩm cao nhất trong năm. Do đó, khi nhu cầu tăng sẽ dẫn đến giá tăng".
Ông Nguyễn Văn Trọng giải thích thêm, một số nơi giá lợn hơi khoảng 83.000-84.000 đồng/kg, nhưng giá này đã qua các khâu, còn giá xuất chuồng chỉ dao động 78.000-80.000 đồng/kg tùy theo vùng. Dự kiến những ngày tới sẽ không có tình trạng tăng đột biến như Tết 2020. Do đó, hoàn toàn có thể chủ động thực phẩm cho Tết Nguyên đán. Với giá này cũng bảo đảm hài hòa cả 3 khâu: Sản xuất-cung ứng-tiêu dùng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sản lượng lợn xuất chuồng đợt này từ nguồn lợn giống của quý II-2020, giá lợn giống khi đó từ 2,5 đến 3 triệu đồng/con nên giá thành sản xuất thịt lợn hơi khoảng 70.000 đồng/kg. Thông thường dịp Tết, nhu cầu thực phẩm tăng 10-15% nên sẽ không tránh được việc tăng giá nhẹ. Các doanh nghiệp bán trước Tết tương đối nhiều, điển hình như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, trung bình xuất chuồng khoảng 15.000-17.000 con lợn/ngày; nhưng từ nay đến trước Tết khoảng 5 ngày, doanh nghiệp này sẽ tăng nguồn cung từ 18.000 đến 20.000 con/ngày.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tới một số địa phương để kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ Tết cũng như vấn đề VSATTP.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM