QĐND - Luật Thống kê được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 23-11-2015 tại kỳ họp thứ mười, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố số 17/2015/L-CTN ngày 4-12-2015.

Tại buổi họp báo giới thiệu về Luật Thống kê mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật) cho biết: Luật Thống kê ra đời thay thế Luật Thống kê năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê và khắc phục những bất cập của Luật Thống kê năm 2003, đồng thời tiếp thu các nguyên tắc mới của thống kê Liên hợp quốc trong tiến trình hội nhập.

Luật Thống kê đã có sự đổi mới về kết cấu và nội dung, bao gồm 9 chương, 72 điều và 1 phụ lục về danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (tăng 1 chương, 30 điều so với Luật Thống kê năm 2003). So với Luật Thống kê năm 2003, Luật Thống kê vừa được Quốc hội thông qua mở rộng phạm vi điều chỉnh cả về hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.  

Ảnh minh họa.

Vẫn theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Luật Thống kê đã bổ sung các quy định mới nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trước yêu cầu đổi mới và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Luật đã quy định rõ hệ thống thông tin thống kê nhà nước, qua đó quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Những sửa đổi này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin thống kê nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng. Luật cũng đã quy định quyền và trách nhiệm của hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; bổ sung nguyên tắc cơ bản và các hành vi bị nghiêm cấm của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê… Luật Thống kê còn quy định rõ việc thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, phân loại thống kê ngành, lĩnh vực, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành và số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của cơ quan thống kê quốc gia. Việc thẩm định này nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương với địa phương và bộ, ngành.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, luật đã bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách, cụ thể hóa Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 186 chỉ tiêu bao trùm toàn diện các mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Danh mục chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc giai đoạn 2016-2030 nhằm bảo đảm quản lý, điều hành tầm vĩ mô, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện, tính hội nhập và so sánh quốc tế.

Luật Thống kê ra đời hy vọng sẽ khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê, là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp thông tin thống kê một cách trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ các cơ quan Nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân.

Luật Thống kê sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

NHẤT NGÔN