Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014 và được Chủ tịch nước ký lệnh Công bố Luật ngày 30-6 vừa qua. Luật gồm 9 chương, 133 điều. Ngoài Chương I (Những quy định chung), Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có các chương quy định những vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam như...
QĐND - Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014 và được Chủ tịch nước ký lệnh Công bố Luật ngày 30-6 vừa qua. Luật gồm 9 chương, 133 điều. Ngoài Chương I (Những quy định chung), Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có các chương quy định những vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam như: Kết hôn; Quan hệ giữa vợ và chồng; Chấm dứt hôn nhân; Quan hệ giữa cha, mẹ và con; Quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình; Cấp dưỡng; Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...
 |
Ảnh minh họa.
|
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã quy định về độ tuổi kết hôn để có sự thống nhất trong cách tính tuổi của người kết hôn, bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Theo đó, Luật quy định nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ phải từ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn. Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính, Khoản 2 Điều 8 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Luật sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Điểm mới rất quan trọng của Luật Hôn nhân và Gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản này nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Dù lựa chọn chế độ tài sản nào, vợ chồng đều phải bảo đảm lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của con.
Một điểm mới nữa của luật là bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con. Theo đó, tại Điều 95 quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.
LÊ THIẾT HÙNG