Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Nghị định 95 đã có cơ chế, khi giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội, liên Bộ Công Thương – Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét thời điểm điều hành phù hợp.

Trong điều hành xăng dầu, Chính phủ, liên Bộ đã phải cân nhắc nhiều yếu tố, và trong điều hành giá xăng dầu phải hài hòa lợi ích của các bên; bám sát từng giai đoạn thì có sự ưu tiên.

Nói thêm về Quỹ bình ổn giá, ông Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, quỹ có thời điểm dôi dư rất nhiều, nhưng với diễn biến xăng dầu thế giới và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kiểm soát CPI, nên dư địa quỹ đã không còn nhiều.

“Tác dụng của quỹ để giữ giá xăng dầu”, ông Trần Duy Đông giải thích: Như khi giá thế giới biến động từ 40-60%, nhưng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, liên Bộ cố gắng giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa.  

Tuy nhiên, quỹ cũng có hạn. Trong bối cảnh như thế, Bộ Công Thương mạnh dạn đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Tuy vậy, chúng ta phải tính dài hơn hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa, như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ đã lên kịch bản, nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì Bộ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT; đa dạng hóa nguồn cung… Cùng đó, các gói an sinh xã hội cũng phải tính tới. Đặc biệt, phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơi với môi trường.

Thậm chí, trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu ethanol, khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta giảm thuế nhập khẩu để nhập về phối trộn, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

Ngoài ra, cần có các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu, hay người sử dụng xăng dầu.

Hoặc về dự trữ quốc gia, hiện chúng ta đã có tiềm lực về tài chính, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối.

Đặc biệt, theo ông Trần Duy Đông, làm sao trong quy hoạch sản xuất phải tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. Thời gian qua, một số nước rất linh hoạt trong vấn đề này. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu và dự trữ quốc gia, họ có chiến lược 10 năm, nhờ mua dầu thô giá rẻ và bơm ra thị trường, qua đó vừa lợi về kinh tế, vừa là công cụ điều tiết thị trường.

Nói thêm về dự trữ, ông Trần Duy Đông cho hay, trong Quyết định 1030 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, về dự trữ thì đã xây dựng và theo khuyến cáo của Tổ chức năng lượng thế giới: Đó là để bảo đảm an ninh năng lượng như các quốc gia khác, ta phải có 90 ngày nhập khẩu dòng.

Mặt khác, khi xây dựng Nghị định 95, Bộ Công Thương cũng đã bàn rất kỹ, trong dự trữ có 3 loại: dự trữ quốc gia, sản xuất, lưu thông phân phối. Theo đó, trong dự trữ lưu thông phân phối, chúng tôi xây dựng 20 ngày của thương nhân đầu mối và 5 ngày của thương nhân phân phối; tương đương 25-30 ngày nhập khẩu dòng; trong khối sản xuất phải từ 30-35 ngày dự trữ.

HẰNG PHƯƠNG