Nhà nước, các ngành, địa phương đã có những cố gắng trong dạy nghề cho lao động ở nông thôn, góp phần tạo ra một lực lượng lớn nông dân có nghề. Nhưng trên thực tế, được dạy nghề vẫn đang là nỗi khát vọng của nhiều nông dân.



"Chúng tôi muốn được học nghề": Đó là tâm sự của bà con nông dân ở nhiều xã ngoại thành Hà Nội mà chúng tôi vừa tìm hiểu. Do những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, người nông dân phải bươn chải nhiều nghề và ngay cả trong chính việc trồng trọt, chăn nuôi họ cũng muốn tinh thông, giỏi nghề, nghĩa là phải học. Mặc dù Nhà nước, các địa phương đã đầu tư nhưng so với thực tế yêu cầu của nông dân thì vẫn còn quá ít. Các lớp dạy nghề cho nông dân mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, số người được dạy nghề chưa nhiều và chất lượng dạy nghề cũng còn rất "khiêm tốn". Vì vậy công tác dạy nghề cho nông dân phải tiếp tục được phát triển và chú trọng đầu tư hơn nữa. Đặc biệt tại các vùng nông thôn có đất thu hồi cho các dự án kinh tế công nghiệp, các khu đô thị mới... thì yêu cầu học nghề, có việc làm của người nông dân càng bức thiết, đòi hỏi nỗ lực của Nhà nước, các địa phương và các doanh nghiệp phải cao hơn. Đây là việc vừa cơ bản, lâu dài vừa thiết thực cấp bách trong giải quyết các vấn đề về nông thôn, nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Lê Văn Hiền (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)



10.000 lượt lao động trẻ được tập huấn: Thanh niên là lực lượng lao động dồi dào ở nông thôn. Họ trẻ, khoẻ, nhiệt tình lao động nhưng phần lớn lại không được học nghề. Do thiếu nghề, sản xuất kinh doanh không hiệu quả mà rất nhiều thanh niên nông thôn chán nản bỏ quê hương đi tìm việc làm ở các vùng đất khác. Do vậy nhiều địa phương và các tổ chức Đoàn thanh niên đã có sự đầu tư chú trọng vào hoạt động dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động trên địa bàn, vùng đất của mình. Chẳng hạn như trong năm qua, các cơ sở Đoàn thanh niên ở Lào Cai tích cực tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Đã có gần 180 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật với sự tham gia của 10.000 lao động trẻ. Các tổ chức Đoàn cũng hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay hơn 21 tỷ đồng để đầu tư vào việc phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Qua đó giúp cho nhiều thanh niên nông thôn của tỉnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi học nghề và tìm việc làm, thanh niên nông thôn cần tránh mặc cảm với nghề nông, chịu khó nghiên cứu và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, không dễ làm, khó bỏ hay đầu tư tràn lan, kém hiệu quả.

Dương Thị Mai (xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai)



Dạy nghề sát với sản xuất nông nghiệp: Thời gian qua, nhiều cơ sở dạy nghề ra đời ở các vùng nông thôn, nhưng lại ít dạy nghề về nông nghiệp cho nông dân. Đó là bất cập chưa được nghiên cứu và khắc phục một cách tích cực. Một trong những giải pháp tích cực cần được triển khai ở các địa phương là tăng cường sự phối hợp hành động giữa Hội nông dân với các ngành, đoàn thể cùng giải quyết vấn đề việc làm cho nông dân. Thái Bình là địa phương thường xuyên làm tốt công tác này. Vừa qua, Hội nông dân Thái Bình và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2006-2010. Theo đó hai bên sẽ cùng hợp tác đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hướng nghiệp cho nông dân, gắn giải quyết việc làm với dạy nghề, phát động bà con học nghề, lao động sáng tạo và hoàn chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách, phát triển những nghề phù hợp với nông nghiệp, nông thôn. Cũng trên cơ sở ký kết chương trình phối hợp trên, hai bên luôn chủ động đầu tư, hướng về cơ sở, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và khắc phục những bất cập nảy sinh để đưa hoạt đồng dạy nghề cho nông dân vùng quê lúa thật sự có kết quả cao như mong muốn.

Tạ Công Thắng (xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)



Phát huy lợi thế địa phương: Trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, một yêu cầu rất quan trọng đặt ra là phải tận dụng, phát huy được thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, từng miền đất. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm tòi tình hình đặc điểm đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực... mà tìm ra lợi thế của từng nơi, từ đó tìm nghề phù hợp để dạy cho bà con và đầu tư phát triển kinh tế. Xin nêu một ví dụ ở tỉnh Ninh Thuận để minh họa cho nội dung này. Xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận có nhiều ao, hồ thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt của các hộ gia đình. Để tận dụng tốt thế mạnh đó, ủy ban nhân dân xã Lương Sơn đã phối hợp với Trung tâm khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho các hộ nông dân có ao hồ trong xã. Nhờ vậy bà con nông dân có hiểu biết, kiến thức về nuôi cá nước ngọt, yên tâm và tự tin hơn khi đầu tư; đồng thời có thêm những cơ hội thiết thực để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế, bỏ phí những thế mạnh có sẵn, khiến nông dân tiếp tục gặp khó khăn trong cuộc sống. Đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, các nhà khoa học và bà con nông dân chúng ta phải chủ động, tích cực khắc phục thực trạng trên.

Lê Bách (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận)