Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ làm gì để tiếp tục khẳng định vị thế của mình? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Ông Tạ Văn Tường. Ảnh: DIỆP ANH

Phóng viên (PV): Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ xây dựng phát triển các chuỗi sản xuất như thế nào để kiểm soát được an toàn thực phẩm (ATTP) và hỗ trợ đầu ra cho nông sản, thưa ông?

Ông Tạ Văn Tường: Hiện Hà Nội có 121 chuỗi sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản. Hà Nội kỳ vọng tất cả sản phẩm được sản xuất theo chuỗi và có thể truy xuất nguồn gốc để bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP. Đương nhiên, đối với các chợ truyền thống, chúng tôi cũng sẽ đưa ra giải pháp phù hợp để bảo đảm công tác vệ sinh ATTP. Chúng tôi sẽ triển khai việc truy xuất nguồn gốc bằng hồ sơ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR ở điện thoại thông minh. 

PV: Hà Nội vừa là thị trường tiêu thụ lớn nông sản hàng hóa và cũng là nơi sản xuất lớn về nông nghiệp. Tuy nhiên, đôi khi vẫn xuất hiện tình trạng ế thừa, cung vượt cầu khiến nông dân gặp khó khăn. Vậy Hà Nội sẽ có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Tạ Văn Tường: Củ cải ở huyện Mê Linh, rau ở huyện Phú Xuyên ế thừa thời gian qua chỉ mang tính chất cục bộ. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi xác định phải xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa gắn với việc xây dựng, hình thành chuỗi sản xuất, vừa bảo đảm kiểm soát được chất lượng sản phẩm, vừa kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Hiện một số doanh nghiệp đang quan tâm vấn đề này. Ví dụ, Công ty Cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF) sẽ xây dựng các chuỗi về thực phẩm. Trước mắt, họ sẽ làm chuỗi về thịt một cách đồng bộ, khép kín từ thức ăn, giống, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó, để tiêu thụ được nông sản, các địa phương phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, xây dựng thí điểm chợ thương mại điện tử với các phần mềm chức năng giúp các sản phẩm của chuỗi có nhãn hiệu nhận diện và quản lý truy xuất nguồn gốc. Chỉ những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được cho vào chợ. Chúng tôi hy vọng những sản phẩm có chất lượng, được kiểm soát theo chuỗi sẽ tiêu thụ tốt trên thị trường.

Người tiêu dùng lựa chọn nông sản tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Trong những năm qua, Hà Nội đã giữ vai trò kết nối trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các địa phương và ngược lại. Vậy Hà Nội sẽ làm gì để tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu đó?

Ông Tạ Văn Tường: Hà Nội có mấy điểm mạnh chính để làm trung tâm kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thứ nhất là về sản xuất cây, con giống. Hiện Hà Nội cung cấp rất nhiều cây, con giống cho các địa phương trong cả nước. Thứ hai, Hà Nội còn là trung tâm chính trị, văn hóa-xã hội, trung tâm giao dịch, là nơi tập trung các cơ sở khoa học-công nghệ hàng đầu của cả nước, tập trung các nhà đầu tư. Thứ ba, với hơn 10 triệu dân, Hà Nội là thị trường lớn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, Hà Nội còn đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản, chẳng hạn, năm 2018 chúng tôi đã xuất khẩu nhãn Đại Thành sang Mỹ, châu Âu. Chúng tôi đang nghiên cứu lộ trình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hà Nội đang rất cần một khu tổng hợp từ sơ chế, chế biến, chiếu xạ, giao dịch thương mại, logistics tích hợp... các cơ quan chức năng như hải quan cũng ở đó. Nếu xây dựng được khu như vậy, sẽ giúp cung ứng sản phẩm từ Hà Nội đi các địa phương và ngược lại, đồng thời từ khu tổng hợp này cũng sẽ xuất khẩu hàng hóa đi các nước được thuận lợi hơn.

PV: Thưa ông, ngoài việc kết nối tiêu thụ nông sản, Hà Nội đã có những cơ chế gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?

Ông Tạ Văn Tường: UBND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10 gồm tổng thể các lĩnh vực từ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết hợp tác, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản, tổ chức sản xuất. Đặc biệt, ngày 5-10-2018, Chủ tịch UBND thành phố đã có Chỉ thị số 05 về việc phát triển các khu chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung trên địa bàn thành phố... Hà Nội đang đặc biệt quan tâm, muốn thu hút các doanh nghiệp liên quan tới khâu chế biến nông sản. Ngành nông nghiệp thành phố được giao chủ trì phối hợp tham mưu cho các sở, ngành và các quận, huyện quy hoạch các khu chế biến nông sản tập trung. Đây là việc làm rất đồng bộ để sản xuất, chế biến hàng hóa, giúp nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, phục vụ thị trường, tiếp cận tốt với người tiêu dùng. Chúng tôi hy vọng chính sách của thành phố không chỉ giúp cho nông nghiệp của thành phố phát triển mà còn là một trong những động lực cho nông nghiệp cả nước phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)