Tỷ lệ thất nghiệp cao

Theo số liệu thống kê, lực lượng lao động thanh niên ở khu vực nông thôn nước ta đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, đất đai nông nghiệp có hạn, nói chính xác hơn là ngày càng thu hẹp. Đã thế, việc phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp đã và đang khiến cho tình trạng thừa lao động tại khu vực nông thôn ngày càng gia tăng. Một số thanh niên đã ra thành phố, đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm, tính kế mưu sinh. Tuy nhiên, phần lớn việc làm đều không ổn định, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn, tạm bợ... Chính vì vậy, đã có không ít thanh niên nông thôn sa vào các tệ nạn xã hội, chơi bời, lêu lổng, thậm chí nghiện hút ma túy...

Tại khu vực phía Bắc, một số địa phương có chính sách phù hợp thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… nên đã phần nào giải quyết nhu cầu việc làm cho số lao động dư thừa ở địa phương mình. Thế nhưng, ở nhiều địa phương vẫn trong tình trạng dư thừa lao động trẻ, thiếu việc làm khá đông. Khảo sát mới đây của Thành đoàn Hà Nội về tình hình việc làm của thanh niên tại 30 xã cho thấy, có đến 80% số thanh niên bị thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Còn theo thống kê của Tỉnh đoàn Gia Lai, năm 2016, tổng số thanh niên trong toàn tỉnh là hơn 250.000 người. Trong đó, thanh niên ở độ tuổi lao động thiếu việc làm và thất nghiệp chiếm gần 50%. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn phần lớn là có độ tuổi trên 35, còn lao động trẻ hầu như đã “di cư” đến các thành phố lớn, nơi có các khu công nghiệp để kiếm việc làm. Song, số này chỉ là lao động phổ thông vì hầu hết họ chưa qua đào tạo nghề.

leftcenterrightdel
Nhiều lao động ở khu vực nông thôn sau khi vào làm việc trong Nhà máy Z76 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có việc làm và thu nhập ổn định.  Ảnh: Quang Thái 

Anh Phạm Văn Xuân ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã tốt nghiệp một trường trung cấp nhưng do không xin được việc nên phải trở về quê làm nông nghiệp. Với thu nhập thấp, thiếu ổn định, mà thời gian dư thừa lại nhiều, tôi đành phải bỏ quê để đi làm ăn xa. Đi làm xa quê, thu nhập tuy có cao hơn, nhưng lại kéo theo nhiều chi phí phát sinh, nên đã 3 năm trôi qua mà tôi vẫn chẳng tích lũy được là bao".

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp của thanh niên khu vực nông thôn là các bất cập trong công tác đào tạo nghề. Không ít nơi công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn còn nặng về hình thức mà không đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động, cũng như gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của địa phương. Có những nơi lại đào tạo nghề thiếu định hướng, không có sự tính toán dẫn đến việc có ngành thì thừa, có ngành lại thiếu lao động. Đa số lao động có trình độ học vấn thấp, họ chỉ có thể làm được những công việc giản đơn theo mùa vụ với mức lương thấp. 

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn nhiều hạn chế: Hơn 65% lao động không có kỹ năng; đặc biệt là hơn 75% lao động từ 20-24 tuổi không có kỹ năng hoặc kỹ năng kém. Trong các nước ở khu vực ASEAN, Việt Nam xếp ở nửa dưới về phát triển nguồn nhân lực; Việt Nam có rất nhiều lao động giản đơn có thể làm nông nghiệp hoặc làm trong các dây chuyền lắp ráp, nhưng lại thiếu hụt lao động đã được đào tạo nghề. Khoảng 1/4 doanh nghiệp cho rằng, lao động Việt Nam thiếu hiểu biết về vật liệu, sản xuất, sản phẩm và dịch vụ; thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo thấp.

Đào tạo nghề có định hướng

Ông Võ Trọng Hữu, Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Thanh niên ở khu vực nông thôn phần nhiều là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, nhiều năm trở lại đây họ chủ yếu di cư tới các thành phố lớn và cả xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Tuy nhiên, số lao động di cư này chỉ đến độ tuổi 35 là hết tuổi lao động phổ thông, do đó họ quay trở về nông thôn và trở thành sức ép lớn về kinh tế, trong khi họ tích lũy được rất ít tài sản, thất nghiệp và cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Trước thực trạng đó, tại khu vực Tây Nam Bộ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngân hàng chính sách để hỗ trợ cho số lao động thất nghiệp có thể vay vốn phát triển kinh tế. Vấn đề cơ bản hiện nay là phối hợp đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng lúa lớn, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước chế biến nông sản để giải quyết việc làm tại chỗ ở nông thôn”.

Để giải quyết bài toán việc làm cho thanh niên khu vực nông thôn, theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Thời gian tới, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động tại khu vực nông thôn, đa dạng các loại hình nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần đầu tư mở rộng, nâng cấp các trung tâm tư vấn hướng dẫn học nghề theo hướng đào tạo những nghề xã hội cần chứ không đào tạo những nghề “hot”. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực để tăng vốn quỹ hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn để phát triển công nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn cải thiện đời sống. Xây dựng chiến lược định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác. Khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp trên thì chúng ta mới có thể bảo đảm được công ăn việc làm và tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu trên chính quê hương mình.

VĂN THI - HOÀNG NHƯỠNG