QĐND - Thông thường, một vết thương sẽ lành trong vòng vài tuần điều trị. Ngược lại, vết thương quá 6 tuần không lành sẽ được xếp vào loại khó lành. Điều trị vết thương khó lành, nhất là các loại vết thương như: Vết loét tỳ đè do hạ liệt bởi các chấn thương cột sống, các tổn thương não; loét do suy mòn thiểu dưỡng bởi ốm nằm một chỗ lâu ngày; loét do bệnh lý tiểu đường hoặc do các bệnh lý về thần kinh, mạch máu; hoặc bỏng sâu diện tích rộng… là vấn đề khó khăn.

Trong những năm gần đây, thế giới đã có nhiều tiến bộ trong điều trị liền vết thương khó lành. Việc điều trị liền vết thương khó lành hiện nay không chỉ dừng lại ở một vài phương pháp đơn lẻ mà đã trở thành quá trình trị liệu có hệ thống. Để nâng cao hiệu quả trong điều trị, nhiều quốc gia đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và điều trị vết thương khó lành; các hội liền vết thương… Ở Việt Nam, Viện Bỏng quốc gia (Học viện Quân y) cũng vừa chính thức thành lập Khoa Liền vết thương với nhiều trang bị, máy móc hiện đại nhằm điều trị vết thương khó lành. Đây là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước có Khoa Liền vết thương đánh dấu sự phát triển mới của chuyên ngành Liền vết thương tại nước ta.

Điều trị cho bệnh nhân bị vết loét khó lành tại Viện Bỏng quốc gia.

Theo TS. Đinh Văn Hân, Chủ nhiệm Khoa Liền vết thương (Viện Bỏng quốc gia), các phương pháp điều trị vết thương khó lành có thể chia thành các nhóm gồm: Nhóm phương pháp điều trị cơ bản; nhóm phương pháp điều trị tiến bộ và nhóm phương pháp tích cực.

Điều trị cơ bản là việc sử dụng các phương pháp điều trị để ngăn chặn các yếu tố có hại cho quá trình liền vết thương như hoại tử, nhiễm trùng, thiếu ô-xi, viêm… Nhóm phương pháp điều trị tiến bộ được ứng dụng sau khi đã thực hiện điều trị bằng các phương pháp cơ bản. Các phương pháp này sẽ duy trì điều kiện tốt nhất để quá trình liền vết thương diễn ra theo đúng quy luật như che phủ bảo vệ vết thương, duy trì độ ẩm thích hợp của môi trường vết thương. Nhóm phương pháp tích cực kích thích quá trình liền vết thương diễn ra nhanh hơn quy luật bình thường. Nhóm phương pháp này cũng được áp dụng khi đã thực hiện tốt hai phương pháp trên. Các phương pháp điều trị tiến bộ và tích cực phổ biến hiện nay là sử dụng các vật liệu sinh học, các yếu tố tăng trưởng để kích thích quá trình tăng sinh và tăng cường chức năng các thành phần tế bào tham gia liền vết thương…

Ngoài áp dụng các phương pháp truyền thống như thay băng, phẫu thuật chuyển vạt da, ghép da… hiện nay, Viện Bỏng quốc gia đã áp dụng nhiều phương pháp tích cực như: Sử dụng kỹ thuật ô-xi cao áp; la-de; công nghệ sinh học; các trị liệu tế bào và tế bào gốc; điều trị hút áp lực âm… và các phương pháp hỗ trợ khác nhằm tăng hiệu quả điều trị vết thương khó lành.

Phương pháp điều trị hút áp lực âm là phương pháp điều trị thúc đẩy quá trình liền vết thương. Phương pháp này làm thay đổi huyết động ở vi mạch, cải thiện sự cung cấp máu tại chỗ; loại bỏ dịch tiết; kích thích tạo mô hạt; giảm sự phát triển của vi khuẩn và làm hẹp vết thương mang tính cơ học, đồng thời duy trì môi trường ẩm thích hợp cho liền vết thương. Có thể dùng phương pháp điều trị hút áp lực âm để điều trị các loại vết thương mãn tính; vết loét do đái đường; loét tỳ đè độ 3 và 4; loét cẳng chân…

Điều trị theo phương pháp ô-xi cao áp là việc đưa bệnh nhân vào buồng ô-xi cao áp để tăng lượng ô-xi tại mô vết thương. Ngoài hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính (hô hấp, tiêu hóa…) phương pháp này còn kích thích liền vết thương, tăng khả năng miễn dịch tại chỗ mô vết thương, tăng sinh mạch, tăng biểu mô hóa đồng thời giảm độ nhiễm khuẩn, giảm sự phát triển của vi khuẩn yếm khí.

Sử dụng la-de: Tia la-de cường độ thấp được dùng để điều trị vết thương, hỗ trợ giảm đau, điều trị loét trong các trường hợp do tiểu đường và các loại vết thương mãn tính khác nhau. Các loại la-de hiện dùng là la-de CO­2, helium-neon, argon…

Trị liệu tế bào là phương pháp nuôi cấy tế bào điều trị vết thương. Trong đó, ghép biểu bì có tác dụng kích thích liền vết thương, tạo lớp biểu bì che phủ tổn thương quyết định liền vết bỏng sâu, do đó tăng khả năng cứu sống bệnh nhân bị bỏng sâu đến 85%. Tế bào biểu bì được nuôi cấy từ mô da hoặc nang lông. Từ vài xen-ti-mét vuông da, tách tế bào, nuôi cấy trong môi trường tăng trưởng làm tăng diện tích da lên hàng nghìn lần chỉ trong thời gian ngắn. Mới đây, các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia đã nghiên cứu áp dụng thành công phương pháp ghép nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy điều trị cho các bệnh nhân bị vết thương mãn tính và các vết loét khó lành do nhiều căn nguyên bệnh lý khác nhau. Đây là phương pháp lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Theo phương pháp này, chỉ cần một phần da rất nhỏ, sau khi nuôi cấy có thể tạo ra số lượng nguyên bào sợi đủ lớn theo yêu cầu điều trị, do đó có thể điều trị hiệu quả những tổn khuyến da rộng cũng như các vết loét.

Bài và ảnh: Trung Kiên