* Đảm bảo phục vụ Kỳ họp thứ 8 an toàn, chu đáo
QĐND Online - Sáng nay (8-10), tiếp tục Phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, cập nhật và công bố, mực nước biển có thể dâng thêm và đe dọa trực tiếp các châu thổ, nhất là ĐBSCL. Theo đó, nếu nước biển dâng lên 1 mét, ĐBSCL sẽ ngập chìm từ 19 đến 38%; 24% diện tích đất tự nhiên của TP Cần Thơ và hơn 50% của tỉnh Bến Tre sẽ bị ngập. Dưới tác động của BĐKH làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, dân cư, phát triển kinh tế-xã hội… ĐBSCL và hạ lưu sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH từ năm 2010 đến nay, tổng mức kinh phí đã bố trí thực hiện cho các tỉnh ĐBSCL là hơn 214 tỷ đồng; 17/61 dự án ưu tiên cho khu vực này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án tập trung vào củng cố, nâng cấp, xây mới hệ thống đê, kè, các công trình thủy lợi nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giữ ngọt. Chính phủ kiến nghị ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật ứng phó với BĐKH với các giải pháp hiệu quả, phù hợp với vai trò của Quốc hội; đưa mục tiêu ứng phó với BĐKH là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết phát triển KTXH của Quốc hội…
 |
Tác động của biến đổi khí hậu tại Cà Mau. Ảnh: biendoikhihau.gov.vn. |
Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, một số yếu kém trong ban hành chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH. Một số chính sách pháp luật của các Bộ, ngành còn chồng chéo và mang tính cục bộ, chưa có tính kết nối và hỗ trợ lẫn nhau; chưa có quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong khu vực ĐBSCL để triển khai thực hiện khi có thiên tai, sự cố. Cơ chế tài chính cho Chương trình mục tiêu còn bất cập; một số chủ trương của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ rà soát hệ thống chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ; quy định những nội dung liên quan, tập trung hoàn thiện pháp luật, xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi về thuế để đẩy mạnh xã hội hóa công tác ứng phó với BĐKH.
Đóng góp ý kiến vào báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng như báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trương Thị Mai cho rằng: Đoàn giám sát cần đưa thêm những thông tin về việc các địa phương ĐBSCL ngoài ứng phó, giảm nhẹ thì đã làm gì để tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa có thống kê nguồn lực đáp ứng được bao nhiêu so với chính sách hành động, chưa có dự báo nhu cầu cũng như chưa đề cập mục tiêu trong tương lai gần, giai đoạn 2020-2030 khả năng của đất nước như thế nào?
Nhiều đại biểu cũng nhận định, trong báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về lồng ghép các chương trình mục tiêu vùng ĐBSCL ứng phó với BĐKH; đánh giá tác động môi trường với việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội ở vùng này như thế nào. Đây là vấn đề quan trọng và cần phải đưa ra dự báo. Bên cạnh đó, đánh giá thêm về liên kết vùng, không chỉ ở khu vực này mà còn ở các vùng khác vì cơ chế vùng liên kết hiện nay đang rất lỏng lẻo.
Các đại biểu cũng đề nghị, Nghị quyết cho vùng ĐBSCL chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, trong Nghị quyết nên có quy định mở theo hướng giám sát rộng hơn để trong tương lai có thể trình Quốc hội ban hành trên phạm vi của cả nước. Trong Nghị quyết cũng nên gắn mô hình tăng trưởng thích ứng với BĐKH.
* Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã nghe báo cáo một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 33 ngày làm việc chính thức, trong đó Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ Bảy. Do có sự thay đổi trong bố trí làm việc vào các ngày thứ Bảy nên kỳ họp sẽ bế mạc vào thứ Sáu, ngày 28-11-2014. Văn phòng Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần, an ninh, an toàn, thông tin, tuyên truyền về kỳ họp… bảo đảm phục vụ kỳ họp chu đáo, an toàn, tiết kiệm.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nội dung kỳ họp như sau: Rút nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới; bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; bổ sung nội dung Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.
Văn phòng Quốc hội bổ sung các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu về một số vấn đề: Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh người có công và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm; tình hình triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; tình hình người nghiện ma túy trong phạm vi cả nước; tình hình lao động nước ngoài.
MINH MẠNH