QĐND Online - Chiều 26-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật thuế TTĐB với tỷ lệ 73,64% đại biểu tham gia tán thành; có 54 đại biểu không tán thành. Theo đó, các sản phẩm trò chơi trực tuyến (game online), nước ngọt có ga sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, các sản phẩm trò chơi điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trước khi cấp phép được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, bảo đảm phù hợp với văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Hiện nay, trò chơi trực tuyến chứa nội dung có tác động xấu cho xã hội chủ yếu từ khu vực bên ngoài xâm nhập không kiểm duyệt được. Theo đó, cũng khó thu được thuế TTĐB đối với loại trò chơi này. Do vậy, nếu áp dụng thuế TTĐB chỉ đánh vào trò chơi điện tử của các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không hạn chế được các trò chơi trực tuyến xâm nhập từ bên ngoài, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Ảnh minh họa/binhdinh.gov.vn.

Do đó, UBTVQH đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đồng thời, giao Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước, nhất là đối với các loại hình trò chơi, nhà phân phối và người chơi để ngăn chặn game online có hại, game online từ khu vực bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

Đối với đề xuất của ĐBQH đề nghị bổ sung nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB để hạn chế tác hại của việc lạm dụng nước ngọt có ga gây béo phì, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, tim mạch,… nhất là đối với trẻ em; sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp thì trên thế giới không có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định tác hại của loại đồ uống này đến sức khỏe con người và chưa có nghiên cứu chính thức tại Việt Nam đề cập tác động của mặt hàng này đến người tiêu dùng. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Ngoài ra, dù các ĐBQH đề nghị phải đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu bia thật cao để đủ tính răn đe, hạn chế những hệ lụy mà các sản phẩm này tác động tới sức khỏe con người, nhưng UBTVQH vẫn đề nghị cho giữ nguyên lộ trình và mức tăng thuế suất theo như dự thảo Luật.

Cụ thể, lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá sẽ được chia làm 2 giai đoạn với bước thuế suất tăng chỉ 5%/lần, từ 65% lên 70% vào năm 2016 và từ 70% lên 75% vào năm 2019.

Đối với rượu, bia, nhiều ý kiến đề nghị quy định rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất 70% (thay vì 65% theo đề xuất của Chính phủ) và rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 40% (thay vì 35% theo đề xuất của Chính phủ). Một số ý kiến đề nghị tăng thuế suất đối với bia lên 70% (thay vì 65% như đề xuất của Chính phủ). Có ý kiến đề nghị cần có lộ trình hợp lý hơn để giảm áp lực và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất, phát triển kinh doanh.

Sau khi thẩm tra, chỉnh lý, UBTVQH đề nghị giữ mức tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia như phương án Chính phủ trình, nhưng điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 1-1-2016 (thay vì từ ngày 1-7-2015) và bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu.

Cụ thể, đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1-1-2016, 60% từ ngày 1-1-2017 và 65% từ ngày 1-1-2018 (thay vì tăng thuế suất từ 50% lên 65% ngay từ ngày 1-7-2015).

Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1-1-2016 và 35% từ ngày 1-1-2018 (thay vì tăng thuế suất từ 25% lên 35% từ ngày 1-7-2015).

PHÚC THẮNG