Trên những con đường về trung tâm xã được trải nhựa, đổ bê tông thẳng tắp, những khẩu hiệu chào mừng 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... thêm không khí rạo rực vùng quê. Những hố bom, vùng hoang hóa, bưng biền năm xưa đã trở thành cánh đồng lúa sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao hay trang trại chăn nuôi theo mô hình sinh học.

Dẫn chúng tôi đến địa danh rừng Bào Ngãi Rạc, nay là cánh đồng lúa mênh mông trĩu hạt, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đua, ngụ ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông cho biết: “Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ là địa bàn mà ta và địch quyết liệt giành với nhau từng bờ ruộng, gò đất. Đây là địa bàn chiến lược, khi vượt sông Vàm Cỏ Đông sẽ sang các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, tiến về trung tâm tỉnh lỵ. Đây cũng là con đường vận chuyển vũ khí huyết mạch và vùng án ngữ khu căn cứ cách mạng của ta”.

Cây cầu nông thôn với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: ANH LONG

Là bộ đội địa phương huyện Đức Huệ, ông Đua đã vào sinh ra tử nơi chiến trường này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dù tuổi cao, ông vẫn hăng hái lao động sản xuất, trở thành tấm gương sáng, tham gia tích cực vào viết lịch sử truyền thống của địa phương.

Xã Mỹ Thạnh Đông hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Theo ông Huỳnh Thanh Tâm, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Thạnh Đông, sau ngày miền Nam giải phóng, quân và dân Mỹ Thạnh Đông cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, từng bước đi lên. Địa phương đã đột phá về giảm tỷ lệ hộ nghèo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả. Sau 45 năm thống nhất đất nước, quê hương Mỹ Thạnh Đông đã khoác lên mình chiếc áo mới, ấm no và phát triển.

Về thăm xã Quê Mỹ Thạnh hôm nay, chúng tôi cảm nhận rất rõ vùng kháng chiến xưa giờ đã “thay da, đổi thịt”. Đường giao thông nông thôn được mở rộng; các công trình thủy lợi, trường học được đầu tư. Là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa và chăn nuôi nên đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Với mục tiêu nâng cao mức sống, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn, xã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi sang trồng thanh long, nhiều hộ gia đình sản xuất hiệu quả hơn, kinh tế bền vững. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Quê Mỹ Thạnh phấn khởi cho biết: “Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 là niềm tự hào to lớn. Tuy nhiên, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn xác định đây chỉ là thành công bước đầu. Xã luôn coi phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. Trong chặng đường này, bên cạnh quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc huy động sự đồng lòng, nguồn lực từ nhân dân là rất quan trọng”.

Cũng giống như xã Quê Mỹ Thạnh, sau ngày thống nhất đất nước, xã Long Định (huyện Tân Trụ) đã chuyển mình mạnh mẽ. Từ một xã nghèo, địa phương đã mạnh dạn phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, giao thông mở rộng, tạo điều kiện trong đi lại, lưu thông hàng hóa. Còn xã Vĩnh Công (huyện Châu Thành) là vành đai diệt Mỹ của TP Tân An trong kháng chiến. Phát huy truyền thống cách mạng và sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, xã có nhiều khởi sắc trên bước đường đổi mới. Năm 2010, xã Vĩnh Công được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Vĩnh Công là địa phương nông nghiệp với hơn 95% hộ dân sống bằng nghề nông, từ khi mạnh dạn chuyển sang sản xuất thanh long, cuộc sống người dân dần được cải thiện; diện mạo nông thôn xã có nhiều thay đổi; đời sống người dân được nâng lên; an ninh, trật tự, quốc phòng được giữ vững. Đầu tháng 4-2019, xã chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

45 năm sau ngày thống nhất đất nước, những vùng quê kháng chiến xưa của tỉnh Long An đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Với tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đồng bào các vùng quê cách mạng đã tích cực hưởng ứng, góp tiền, hiến đất xây dựng hạ tầng, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường.

HỒNG GIANG