Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển nông nghiệp là một ưu tiên.
Ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đô thị hóa
Đánh giá về quy hoạch và thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho biết, giai đoạn 2011 - 2020, đơn vị được giao theo dõi 11 quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch được triển khai thực hiện dựa trên định hướng không gian phát triển nông nghiệp, theo vùng sản xuất, theo ngành, lĩnh vực cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, làng nghề... Tuy nhiên, phần lớn các quy hoạch này hiện nay đều đã bị thay đổi và điều chỉnh.
Tốc độ đô thị hóa rất nhanh đã phá vỡ cảnh quan, không gian nông nghiệp; làm mất đi nhiều giá trị lịch sử văn hóa của nông nghiệp để lại từ ngàn xưa. Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã dồn điền đổi thửa, nhưng còn manh mún, kinh tế hộ gặp nhiều khó khăn, khó tập trung thành vùng sản xuất lớn, chuyên canh giá trị cao. Đất đai nông nghiệp thiếu ổn định và còn tình trạng người dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất, dẫn đến một phần diện tích lớn đất bị bỏ hoang… Ngoài ra, trong lĩnh vực lâm nghiệp việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn rất hạn chế, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu các quy hoạch, định hướng rõ ràng về tầm nhìn phát triển rừng.
 |
Là Thủ đô, nhưng TP Hà Nội vẫn mang trong mình nhiều vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống có tiềm năng phát triển thành sản phẩm đặc thù có tính nhận diện thương hiệu cao. |
Về quy hoạch đê điều thủy lợi, hiện trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông là vấn đề báo động. Ngoài ra, việc chưa cụ thể hóa được nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng khu vực bãi sông theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (chưa xác định được cụ thể các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông khu vực nào phải di dời, khu vực nào được cải tạo, sửa chữa, khu vực được tồn tại, bảo vệ, xây dựng mới công trình, nhà ở...). Trong khi đó, nhu cầu về cải tạo, xây dựng nhà ở của nhân dân rất lớn và bức thiết, dẫn đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm về đê điều... của các cấp, ngành gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.
Ví dụ cụ thể nhất là tại thị xã Sơn Tây diện tích đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang rất nhiều. Sơn Tây hiện có 4.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng mỗi vụ chỉ sản xuất trên 1.000ha. Trước thực trạng này, địa phương đã kiến nghị TP Hà Nội nên có đợt tổng kiểm tra, rà soát trên diện rộng đất sản xuất nông nghiệp. Việc quy hoạch cần dựa trên cơ sở hiện trạng, phục vụ phát triển dài hạn.
“Hiện trạng về nông nghiệp đô thị ở các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng từ góc độ quy hoạch phát triển đô thị cho thấy sự cần thiết phải tổ chức theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững. Vì vậy, cần có những nghiên cứu từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị song hành cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp trong thời gian tới”, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, GS, TS, KTS Đỗ Hậu đánh giá.
Cần cơ chế đặc thù để ưu tiên phát triển
Với ngành nông nghiệp, mặc dù đóng góp vào GRDP không phải lớn nhưng trong những văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương đều xác định nông nghiệp là trụ đỡ của các ngành kinh tế khác. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới nhiều mối quan hệ xung đột, vấn đề an ninh lương thực đặt ra rất lớn.
Hiện tại, TP Hà Nội đang triển khai đồng thời hai quy hoạch quan trọng là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Các chuyên gia đều cho rằng vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nội dung cần phải đặt ra để định hướng cho sự phát triển nhằm bảo đảm an ninh lượng thực và an ninh nói chung trong giai đoạn tới.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Lưu Quang Huy cho biết, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 xác định TP Hà Nội có tới 70% diện tích là nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng xanh, chỉ có 30% phát triển đô thị. Đây là điểm rất đặc thù của Hà Nội nên trong các quy hoạch lớn tới đây phải nêu bật được đặc thù này để xác định trọng tâm trọng điểm đầu tư, phát triển nông nghiệp.
 |
Phát triển đô thị cần tính tới sự hài hòa và bền vững của sản xuất nông nghiệp là một trong những yêu cầu chính trong quy hoạch phát triển Thủ đô trong những năm tới.
|
Nhận định về tiềm năng và hướng phát triển của nông nghiệp Thủ đô trong tương lai, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), TS Nguyễn Văn Chinh đánh giá, Hà Nội là Thủ đô có đặc điểm rất đặc biệt với diện tích nông nghiệp, nông thôn chiếm tới hơn 2/3 diện tích tự nhiên; nông dân chiếm hơn 50%… do đó không những đóng vai trò quan trọng mà có nhiều lợi thế phát triển.
“Đóng vai trò quan trọng thì các chính sách quy hoạch liên quan đến nông nghiệp phải tạo điều kiện để lĩnh vực này phát triển ổn định, mang tầm nhìn dài hạn, ít nhất đến năm 2050. Định hướng xây dựng và quản lý quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tuân theo tiêu chí sinh thái, công nghệ cao và hữu cơ. Các đặc sản nông nghiệp của Hà Nội như cốm làng Vòng, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… phải được coi là nguồn lực văn hóa, góp phần phát triển Thủ đô. Do đó, Hà Nội phải xác định có những làng 100 năm nữa vẫn là vùng nông thôn phát triển. Như vùng bưởi Diễn, quất Tứ Liên… luôn phải được dành những diện tích đất xứng đáng để giữ nghề. Đặc biệt, Hà Nội là đất trăm nghề, trong các bản quy hoạch cần bố trí đất cho làng nghề, tạo khu, vùng sản xuất”, TS Nguyễn Văn Chinh gợi mở.
Là Thủ đô song Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, vì vậy việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững là yêu cầu hết sức cần thiết và quan trọng đối với chiến lược phát triển xanh và hiện đại của thành phố trong những năm tới.
Bài, ảnh: NGỌC HUY