Bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình, quyết tâm khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, từng bước đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới.

Vượt khó để sản xuất-kinh doanh

Tính đến giữa tháng 9-2021, trên địa bàn Bình Dương có hơn 800 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải dừng và tạm dừng hoạt động. Rất nhiều doanh nghiệp có công nhân bị nhiễm Covid-19 (F0), khiến hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 30.000 người phải nghỉ việc do nằm trong khu cách ly phong tỏa. Tình trạng này làm cho chuỗi sản xuất kinh doanh phải dừng lại, các hợp đồng, đơn hàng không thể thực hiện được. Những doanh nghiệp kinh doanh logistic và kinh doanh kho bãi cũng phải tạm dừng hoạt động.

Công nhân khu công nghiệp VSIP 1 làm việc theo phương án "3 tại chỗ". 

Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) có gần 200 công nhân. Khi phát hiện có các ca F0, Earth Corporation Việt Nam đã phải xây dựng phương án sản xuất tập trung và thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 19-6. Theo ông Wada Masaharu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam, do công ty đã thành lập Ban phòng, chống Covid-19 từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, nên đã đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” chi phí nhiều hơn và phải xử lý các tình huống phức tạp trong sinh hoạt, ăn ở của công nhân.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhưng Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp-CTCP (Becamex IDC) vẫn thường xuyên trao đổi, tổ chức nhiều hội thảo hội nghị với nhà đầu tư nước ngoài qua các nền tảng trực tuyến để nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, công nhân lao động; giúp đỡ nhà đầu tư tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến theo đúng chỉ đạo của tỉnh”.

Nhân viên y tế hướng dẫn công nhân tại nhà trọ ở phường Bình Chuẩn, TP Thuận An phòng, chống dịch. 

Tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 27 KCN đi vào hoạt động, thu hút 2.977 dự án đầu tư trong và ngoài nước  với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,3 tỷ USD và 77.300 tỷ đồng. Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp đã biết các vượt khó để duy trì SXKD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, một số chỉ tiêu quan trọng của tỉnh Bình Dương đều vượt, như: Doanh thu các doanh nghiệp trong các KCN đạt 16,8 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 51% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11,2 tỷ USD, tăng 15,25% so với cùng kỳ và đạt 50,81% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ và đạt 58,8% kế hoạch năm… Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng đến quý III năm 2021, một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng cho cả năm 2021 và năm 2022.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban quản lý các KCN Bình Dương, cho rằng: Ưu tiên hàng đầu của tỉnh là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động. Chúng tôi đã phối hợp với Sở Y tế cùng các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ công tác PCD, nhất là đối với các chuyên gia nước ngoài và hỗ trợ khi xuất hiện dịch bệnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong KCN đã thành lập 5.437 Tổ An toàn Covid-19 tại doanh nghiệp; có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch. Hiện tại, thị xã Tân Uyên đã thành lập được 8 trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp để làm tốt công tác PCD và chăm sóc sức khỏe cho công nhân, xử lý các tình huống.

Chống dịch không chỉ của riêng ai

Là đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ quản lý vận hành nhiều KCN quy mô lớn trong và ngoài tỉnh, Becamex IDC luôn đặt công tác PCD lên hàng đầu. Tại Bình Dương, Becamex IDC và các đơn vị thành viên đã thu hút hơn 1.200 dự án đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, Becamex IDC đã hưởng ứng rất tích cực vào công tác PCD Covid-19 của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh việc đóng góp tài chính đáng kể vào quỹ mua vaccine, mua các trang thiết bị y tế, tham gia nguồn nhân lực chống dịch, Becamex IDC còn hỗ trợ thành lập, vận hành các bệnh viện đã chiến hiện đại, quy mô lớn ở tỉnh Bình Dương.

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa chăm sóc cho bệnh nhân. 

Điển hình với việc Becamex IDC xây dựng và vận hành Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Thành phố mới Bình Dương (WTC Expo) và Khu điều trị Thới Hòa (Cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1). Khu điều trị tại WTO Expo có quy mô 1.500 giường và đi vào hoạt động chỉ sau 5 ngày thi công. Khu điều trị Thới Hòa quy mô 5.300 giường đi vào hoạt động sau hơn 10 ngày thi công. Đây là những cơ sở điều trị cho các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và trung bình thuộc tầng 1 đến tầng 2 (mô hình cơ sở điều trị tháp ba tầng). Tiếp đó, Becamex IDC đã hoàn thành Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quốc tế Becamex chi trong một tuần và khánh thành vào ngày 12-8. Đây là nơi điều trị cho những F0 nặng và nguy kịch có qui mô 437 giường. Các cơ sở điều trị F0 do Becamex IDC đầu tư xây dựng, đã góp phần thu dung, điều trị hiệu quả cho hàng chục ngàn bệnh nhân. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, PCD Covid-19 không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, các đoàn thể, mà là của tất cả mọi người, trong đó cộng đồng doanh nghiệp phải có trách nhiệm lớn để góp phần kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Chỉ có như vậy thì hoạt động SXKD, phát triển kinh tế mới được tiến hành một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu về quá trình xây dựng Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19 tỉnh Bình Dương. 

Cùng với Becamex IDC, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chung sức với địa phương trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đã có hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ PCD Covid-19 của tỉnh.  

Là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản có trụ sở ở TP Thủ Dầu Một, Tập đoàn Ngọc Tiến Thành đã mua 100 tấn lương thực, thực phẩm để tổ chức hàng chục chuyến đi thăm hỏi, tặng quà cho người dân các địa phương trong tỉnh gặp khó khăn do dịch Covid-19. Không những vậy, Tập đoàn Ngọc Tiến Thành còn trích hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các gia đình nghèo. Ông Lê Ngọc Ninh, Tổng giám đốc Tập đoàn Ngọc Tiến Thành nói rằng: “Những ngày giãn cách xã hội, doanh nghiệp chúng tôi hầu như không hoạt động. Nhưng niềm vui lớn nhất của chúng tôi lúc này là được chia sẻ, giúp đỡ bà con bớt khó khăn”.

Becamex IDC xây dựng Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa.

Ngoài các doanh nghiệp đã kể trên, còn rất nhiều doanh nghiệp đã chi hàng tỷ đồng để đóng góp vào công việc PCD Covid-19 ở tỉnh Bình Dương. Điển hình là: Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình, Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), Tân Hiệp Phát...   

Chuẩn bị tốt để sản xuất-kinh doanh sau dịch

Phục hồi kinh tế-xã hội sau khi trở về trạng thái bình thường mới, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn. Không để dịch bệnh bùng phát trở lại”. Những doanh nghiệp có phương án tái khởi động sản xuất, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc.

Điều đầu tiên là người lao động trước khi vào nhà máy sản xuất phải được xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng test nhanh (hoặc bằng PCR), có kết quả âm tính vào ngày thứ nhất và ngày thứ tư. Khi vào công ty, người lao động phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ ba mới được tham gia sản xuất. 100% công nhân, người lao động tham gia sản xuất phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày. Công nhân, người lao động trước khi rời công ty về nơi ở nơi trọ phải thực hiện test nhanh Covid-19.

Đối với DN phải tổ chức thực hiện nghiêm 5K trong thời gian tổ chức sản xuất và cần test nhanh 7 ngày/lần cho người lao động... Nếu trong doanh nghiệp có người xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính, sẽ tạm thời phong tỏa phân xưởng khu vực hay toàn công ty và thông báo cho trung tâm y tế để có hướng xử lý.

Tiêm vaccine phòng dịch cho công nhân Khu công nghiệp Mỹ Phước. 

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã sắp xếp lại các khu vực trong nhà máy, tạo nơi ăn ở hợp lý cho người lao động, có xe đưa đón công nhân từ chỗ ở đến nới làm việc và ngược lại theo từng phương án. Ông Nguyễn Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty SONYVA Việt Nam cho rằng: “PCD quyết liệt, hiệu quả, sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện thành công kế hoạch SXKD”. Dự kiến các DN ở Bình Dương sẽ tái sản xuất từ đầu tháng 10, nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo. Đó là tình trạng thiếu lao động do một số công nhân đã về quê hoặc nhiễm Covid-19 chưa khỏi bệnh; chi phí cho SXKD quá cao do giá nguyên vật liệu tăng, bảo đảm các điều kiện cho công nhân ăn nghỉ, đi lại; nhiều công nhân chưa được tiêm vaccine phòng dịch mũi 2...

Dù có khó khăn đến đâu, doanh nghiệp nghiệp cũng phải tổ chức SXKD mới tồn tại và phát triển. Hơn thế nữa, tỉnh Bình Dương đang có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực như: xem xét miễn giảm thuế, tăng cường các trạm y tế lưu động để PCD, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động... Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, các doanh nghiệp sẽ áp dụng những phương thức SXKD cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình.

Lễ công bố Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp số 8 ở thị xã Tân Uyên. 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, doanh nghiệp phải biết tự mình vươn lên, nhưng địa phương cũng phải hỗ trợ hết mức. Có như vậy SXKD mới được khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội mới khởi sắc sau dịch. Đó cũng là cơ sở để Bình Dương sẵn sàng đó các dự án đầu tư mới, phục vụ tốt cho việc hội nhập và phát triển của mình”.  

Bài, ảnh: THANH HƯNG