* Nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành tuyển sinh * Đình chỉ công tác hiệu trưởng và hiệu phó *Tiến hành khởi tố hình sự đối với bà Đỗ Thị Hòa

Chiều hôm qua (12-9), UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo, thông báo kết luận thanh tra đơn, thư tố cáo tiêu cực trong tuyển sinh tại trường THPT Lê Quý Đôn. Tại cuộc họp báo, một lần nữa, lãnh đạo UBND và ngành giáo dục đào tạo thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém của địa phương, của ngành mình trong lĩnh vực giáo dục và khẳng định, kiên quyết xử lý những sai phạm, triệt để không để những “con sâu” làm vẩn đục môi trường sư phạm…

Một hiệu trưởng chuyên quyền

Theo kết luận thanh tra của Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, trong các năm học vừa qua (tính từ năm 2002 đến nay), công tác tuyển sinh của trường THPT Lê Quý Đôn chưa thực hiện đầy đủ các nguyên tắc xét tuyển cả về hồ sơ tuyển sinh lẫn quy trình tuyển sinh. Trước mỗi năm học, nhà trường có thành lập Hội đồng tuyển sinh, thông qua chỉ tiêu tuyển sinh chính thức và số chỉ tiêu tuyển thêm. Hội đồng tuyển sinh nhà trường giao trách nhiệm cho hiệu trưởng (bà Trần Thanh Vân) tiếp xúc với phụ huynh, duyệt nhận hồ sơ. Ở bước kế tiếp, Hội đồng tuyển sinh chỉ thông qua danh sách mà không xét duyệt cụ thể từng trường hợp, các thành viên trong Hội đồng không có ý kiến bổ sung hoặc bác bỏ trường hợp nào (Đây chính là những kẽ hở được những “con sâu” tận dụng, luồn lách, kiếm chác). Xem xét cụ thể từng hồ sơ tuyển sinh trong năm học 2005-2006, Đoàn thanh tra đã phát hiện 12 trường hợp xét tuyển không có đơn xin học nhưng đã được hiệu trưởng ký nhận trên bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời; 7 hồ sơ không lưu tên người bảo lãnh. Năm học 2006 - 2007, trường tuyển thêm 56 trường hợp ngoài quy chế, trong đó có 19 hồ sơ có đơn xin học được duyệt sau ngày 15-7 (15-7 là thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ xét tuyển), thậm chí một số đơn, ngày xin và ngày ký duyệt đều trong tháng 8-2006. Qua xác minh cụ thể từng trường hợp, Đoàn thanh tra đã xác định có 37 hồ sơ tuyển hợp lệ (đã trình Sở duyệt), 19 hồ sơ còn lại được tuyển sau ngày 15-7 (được ký lùi thời gian), nhưng đã được gộp chung lại, nhằm đối phó với đoàn kiểm tra.

Trong quy trình tuyển sinh, sau khi được hiệu trưởng duyệt nhận, phụ huynh nộp hồ sơ xin học cho hiệu phó, bà Nguyễn Thị Quế Hương. Bà Hương lập danh sách và giao cho phòng giáo vụ, từ đó, danh sách này mặc nhiên được xem là danh sách được tuyển (!).

Không những để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành công tác tuyển sinh, hiệu trưởng và hiệu phó của trường THPT Lê Quý Đôn còn để xảy ra nhiều điều bất ổn trong tổ chức của môi trường sư phạm.

Các buổi họp hội đồng tuyển sinh chỉ có tính chất thông báo, thậm chí không có biên bản họp lần hai (năm học 2006 - 2007). Sau này, biên bản mới được lập để hợp thức hóa hồ sơ.

Không những để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành công tác tuyển sinh, hiệu trưởng và hiệu phó của trường THPT Lê Quý Đôn còn để xảy ra nhiều điều bất ổn trong tổ chức của môi trường sư phạm. Thanh tra Sở GD&ĐT cùng cơ quan an ninh Văn hóa-Tư tưởng (PA 25 - Công an TP Hồ Chí Minh) đã xác định vụ việc bà Đỗ Thị Hòa, giáo viên dạy môn văn của trường nhận 2.000 USD để “lo” cho học sinh không đủ tiêu chuẩn, vào học. Theo đơn thư của phụ huynh (bà Đỗ Thị Diệu Lê), việc nhận tiền của bà Hòa có liên quan đến bà hiệu trưởng Trần Thanh Vân, song, văn bản cuối cùng của thanh tra Sở và PA25 đã kết luận, bà Vân không liên quan.

Căn cứ vào kết quả thanh tra, xác minh, sáng ngày 12-9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã công bố các quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng Trần Thanh Vân, hiệu phó Nguyễn Thị Quế Hương, đồng thời, UBND thành phố cũng giao cơ quan CSĐT tiến hành khởi tố hình sự đối với bà Đỗ Thị Hòa (đã bị đình chỉ công tác trước đó) về hành vi sai phạm nhận tiền của phụ huynh để chạy trường.

Bài học về quản lý cán bộ, đảng viên

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT phối hợp với quận ủy quận 3 tiến hành kiểm điểm hiệu trưởng Trần Thanh Vân, hiệu phó Nguyễn Thị Quế Hương, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý cán bộ, giáo viên để xảy ra tiêu cực; ngành giáo dục và đào tạo cần kiểm điểm trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác chỉ đạo điều hành, xử lý các vấn đề liên quan…

Bài học về quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát cán bộ quá đau xót. Bức xúc trước hình ảnh của người thầy giáo bị hoen ố, trao đổi với báo giới, đồng chí Lê Hoàng Quân, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, qua vụ việc này, cần sớm rút ra những bài học về công tác xây dựng đội ngũ, xây dựng uy tín của những người đảm nhận sứ mệnh “trồng người”. Cần phải xem xét lại, rà soát toàn diện, hoàn thiện các quy chế trong giáo dục và đào tạo để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tất cả phải được công khai, minh bạch. Một thời gian dài, cấp ủy Đảng, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã chủ quan, thiếu sự giám sát cấp dưới thực thi các nhiệm vụ được giao, đã để cho tâm trạng xã hội thành phố lo lắng cho sự nghiệp giáo dục, gây những hiệu ứng không tốt trong công tác đào tạo con người.

Thuốc đắng dã tật, thuốc đắng phải được dùng rộng khắp. Qua trường hợp của hiệu trưởng Trần Thanh Vân, một bí thư chi bộ cơ sở và hiệu phó Nguyễn Thị Quế Hương, một đảng viên nhà giáo, cả hai đã vi phạm quy chế dân chủ, vi phạm quy chế của ngành, theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, buộc chúng ta phải xem lại nền nếp sinh hoạt của tổ chức Đảng cơ sở (cấp ủy quận 3), xem lại vai trò của tổ chức Đảng trong các bệnh viện, trường học ở thành phố… Làm sao để mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải nêu cao vai trò trách nhiệm trước Đảng, trước tổ chức, trước nhân dân. Trong lời nói và hành động, mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, là tấm gương sáng về đạo đức, bằng cả tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu, bằng nhiều nỗ lực, phấn đấu đào tạo cho đất nước nhiều hơn nữa những thế hệ tương lai khỏe mạnh, cứng cáp cả trong tâm hồn và thể chất, đủ trí lực, vững chãi bước vào đời.

VĂN DŨNG