QĐND Online – Phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC) được Bộ GD và ĐT phát động từ năm 2008 đã nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng xã hội. Trong quá trình thực hiện, nhiều “điểm sáng” cho thấy phong trào đã đi đúng hướng, sức lan tỏa rộng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục học sinh.

Học sinh trường tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cùng tham gia bảo đảm an toàn giao thông khi tan học

Tại hội nghị tổng kết năm học 2011 – 2012, triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013 của các cấp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và sơ kết phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC vừa được tổ chức ở TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo phong trào thi đua cho biết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều thành lập ban chỉ đạo riêng và 99,75% trường học tích cực hưởng ứng.

Cô giáo Cái Thị Cẩm Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) chia sẻ: “Phần lớn phụ huynh học sinh trường chúng tôi làm nghề nông, cuộc sống nhiều khó khăn nên ít có điều kiện quan tâm việc học của con em. Năm học 2008-2009, phong trào mới phát động, để phụ huynh cùng chính quyền địa phương chung tay góp sức, chúng tôi đã chủ động giới thiệu tất cả hoạt động của trường; nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà nhà trường đang gặp phải và cần được hỗ trợ. Đến nay, nhờ sự đồng lòng, trường đã có cảnh quan thoáng mát, trên 1.500 cây xanh được trồng. Hội phụ huynh cùng chính quyền địa phương đã quyên góp trên 100 triệu đồng giúp nhà trường nâng cấp cơ sở vật chất, mở trường bán trú dạy 2 buổi/ngày đầu tiên của huyện; vận động nhân dân hiến gần 5.000m2 đất để mở rộng sân chơi, bãi tập cho học sinh, được UBND huyện đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây mới thêm 4 phòng học”.

Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình, cô Lê Thị Ninh, Hiệu trưởng trường mầm non Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết: “Trường mầm non Nghĩa Xuân có gần 90% giáo viên hợp đồng, phương pháp giáo dục và kỹ năng tổ chức hoạt động cho trẻ còn nhiều hạn chế; mối quan hệ đồng nghiệp giữa các giáo viên có lúc chưa tạo được bầu không khí thân ái trong nhà trường... Sau một thời gian quan sát, phân tích kết quả, chúng tôi quyết tâm thực hiện bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên song song với nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Cụ thể là bồi dưỡng cho họ cách tiếp cận và giải quyết tình huống trong quá trình trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày. Phong trào giúp nhau tiến bộ trong tập thể, phân công kèm cặp, giúp đỡ những giáo viên hạn chế về năng lực chuyên môn được đưa ra. Do vậy, dù trong điều kiện khó khăn, thiếu người đứng lớp nhưng giáo viên vẫn đoàn kết, nhiệt tình, nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành tố nhiệm vụ được giao”.

Ngôi trường đạt chuẩn quốc gia ở huyện vùng sâu tỉnh Sóc Trăng

Với mục tiêu gắn kết mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường đối với vấn đề nâng cao chất lượng học tập của học sinh, cô Trần Thị Dung, Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Thịnh (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đưa ra thực trạng và biện pháp giải quyết: “Thực tế ở trường, sau những lần kiểm tra, phụ huynh chỉ được thông báo kết quả học tập của con em mà không được trực tiếp xem bài tập đã làm để biết con mình hạn chế ở những kiến thức nào. Nhiều phụ huynh cũng không có kỹ năng hướng dẫn con em học tập tại nhà. Từ thực tiễn này, chúng tôi đã tìm cách hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia quản lý chất lượng học tập của học sinh bằng cách trang bị cho phụ huynh những chuẩn kiến thức – kỹ năng cơ bản của các môn học ở từng lớp; giáo viên giảng dạy thường xuyên đến gia đình học sinh đôn đốc và giúp đỡ, nhận xét cụ thể, công khai bài kiểm tra tới phụ huynh. Nhờ vậy mà chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt, giáo viên có trách nhiệm hơn trong thực hiện quy chế chuyên môn. Hơn nữa, sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường là biện pháp hữu hiệu để nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong từng năm học”.

Để học sinh thật sự là chủ thể của các hoạt động, thầy Văn Vũ Biên Cương, Hiệu trưởng trường THPT Tân Hồng (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) đã có sáng kiến đưa ra chương trình “20 phút kỹ năng dưới cờ” trong các buổi sinh hoạt được duy trì đều đặn suốt các năm học. Đây là hoạt động ngoài giờ lên lớp, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh.

Các chương trình “20 phút dưới cờ” đều do học sinh của các chi đoàn lớp tự sáng tác như: diễn tiểu phẩm, múa, hài kịch, kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kể chuyện kỹ năng sống... Thầy Cương đúc kết: “Chương trình do chính học sinh tổ chức, điều khiển đã khuyến khích, động viên tính sáng tạo của các em qua nhiều hình thức hoạt động phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, có tác dụng tích cực tới sự phát triển nhân cách, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học”.

Phát huy kết quả đạt được, năm học 2012 – 2013, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC. Đánh giá về ý nghĩa của phong trào, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Ngành giáo dục coi đây là giải pháp cơ bản nhất để tiến hành giáo dục toàn diện học sinh; vừa tạo cơ chế mở rộng môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường, huy động các lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục, vừa tạo điều kiện cho học sinh mở rộng kiến thức trên nhiều lĩnh vực, rèn luyện kỹ năng sống và thái độ học tập tích cực...

Phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC có sự quan tâm phối hợp và chỉ đạo thực hiện của 5 ngành, đoàn thể: Bộ GD và ĐT, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam.

Sau 4 năm thực hiện phong trào, quang cảnh nhà trường tiếp tục được cải thiện, khang trang, xanh, sạch đẹp. Các trường trong toàn quốc xây dựng được 62.434 công trình vệ sinh, trồng hơn 7,4 triệu cây xanh, trên 25,3 nghìn câu lạc bộ học sinh được thành lập. Công đoàn ngành giáo dục huy động được trên 210 tỉ đồng hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp 46 tỉnh, thành phố không để xảy ra hiện tượng học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở, đồ dùng học tập.

Bài, ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu