Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, vừa qua, các địa phương như: Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh… đã phối hợp các doanh nghiệp thu mua tạm trữ muối, đồng thời có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho diêm dân. Song đây có phải là giải pháp lâu dài? Vậy hướng đi nào để phát triển ngành muối một cách bền vững?
Thêm mùa “muối đắng”
Đi trên con đường dẫn vào huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), nơi được mệnh danh là xứ sở của những cánh đồng muối trải dài đã tồn tại mấy chục năm nay, đâu đâu cũng nghe tiếng than thở và vẻ mặt lo âu của những diêm dân gắn bó bao đời với nghề muối.
Chỉ tay về phía ruộng muối của gia đình, ông Nguyễn Văn Phước, diêm dân xã Điền Hải chia sẻ: “Gần 30 năm gắn với nghề làm muối, nhưng hiện tại tôi và nhiều gia đình khác đang tính chuyện bỏ nghề, vì quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà bán một giạ muối (loại 30kg) chưa mua được một tô phở”.
Người dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) thu hoạch muối.
Một cách so sánh ví von nhưng thực tế, để sản xuất muối trắng, người dân phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng/1.000m2 để lót bạt, chưa kể chi phí xăng dầu bơm nước mặn vào ruộng muối, thuê mướn công nhân làm bờ bao, san bằng mặt ruộng… và đến khi thu hoạch còn phải thuê công nhân cào, khuân vác với giá 5.000 đồng/giạ. Hiện nay, giá bán muối chỉ còn khoảng 300-400 đồng/kg, giảm gần 50% so với năm trước. Với mức giá hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi héc-ta nông dân lỗ từ 30 đến 48 triệu đồng.
Không riêng những hộ sản xuất nhỏ lẻ mà HTX muối của huyện Đông Hải cũng rơi vào cảnh muối trắng đồng nhưng thương lái không thu mua. Anh Trần Quốc Hưng, Phó chủ nhiệm HTX Trường Sơn cho biết: “Các cấp từ tỉnh đến xã kêu gọi diêm dân đầu tư làm muối trải bạt để có sản phẩm muối trắng tiêu thụ trên thị trường. Các xã viên đã mạnh dạn đầu tư từ 50 đến 70 triệu đồng để mua bạt trải trên sân muối với giá bạt là 53.000 đồng/1m2 đến khi thu hoạch muối thì không ai mua. Muốn bán người dân phải tốn thêm khoản tiền vận chuyển về công ty nhưng lượng mua cũng nhỏ giọt với số lượng rất ít và chỉ mua qua thương lái”.
Do giá muối quá thấp, nhiều nông dân đã trữ muối lại với hy vọng thời gian tới giá sẽ khả quan hơn.Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tổng sản lượng muối mà diêm dân thu hoạch đạt 160.000 tấn muối-đạt 100% theo kế hoạch của tỉnh đề ra.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ muối năm nay trên địa bàn tỉnh có 163 hộ sản xuất, với diện tích 134,6ha giảm 52 hộ và 28,6ha so cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá muối ở mức thấp trung bình từ 15.000-20.000 đồng/giạ (khoảng 380-500 đồng/kg), hiện nay muối đen giá 15.000 đồng/giạ, muối trắng 20.000 đồng/giạ nhưng không có thương lái đến mua, diêm dân sản xuất không có lãi nên chuyển một số diện tích sản xuất muối sang nuôi thủy sản.
Được biết, vụ muối 2015-2016 sản lượng muối thu hoạch được 2.163 tấn. Trong đó, chỉ tiêu thụ được 770 tấn, tồn đọng trong dân 1.543 tấn muối thương phẩm chưa tiêu thụ được.
Giải pháp nào để giúp diêm dân?
Để nâng cao chất lượng muối đáp ứng nhu cầu muối sạch của thị trường, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp Công ty Cổ phần Tân Thắng Lợi-Trà Vinh để đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến muối sạch và các sản phẩm sau muối tại ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), nhà máy có công suất 90.000 tấn muối tinh khiết/năm, tổng vốn đầu tư 170 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện các địa phương trong vùng ĐBSCL có diện tích muối tồn đọng đã phối hợp các doanh nghiệp thu mua tạm trữ muối, đồng thời có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho diêm dân.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với doanh nghiệp để thu mua tạm trữ cho người dân. Đồng thời cũng kiến nghị với Chính phủ cần tiếp tục xem xét mua tạm trữ muối để kích cầu và tăng giá muối lên. Ngoài ra, để người dân có thể chờ giá muối lên thì ngành nông nghiệp cũng có những tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ phần nào về điều kiện vật tư để bà con làm kho dự trữ muối, tránh việc thất thoát trong mùa mưa sắp đến. Về lâu dài chúng tôi cũng mong rằng, Chính phủ sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho dự trữ muối”.
Nhận định về thực trạng và đề xuất giải pháp để vực dậy ngành muối, ông Lê Văn Đấu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Muối Đông Hải cho biết: Thực tế, phải nhìn nhận rằng ngành muối hiện cũng ít được các địa phương quan tâm, không dành quỹ đất có lợi thế cho sản xuất muối, đáng chú ý có nơi còn chuyển đổi đất đang sản xuất muối trong quy hoạch sang mục đích sử dụng khác. Sản xuất muối nước ta hiện nay chủ yếu theo phương pháp thủ công, quy mô sản xuất nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do ít áp dụng khoa học công nghệ, nên năng suất lao động nghề muối thấp, mỗi héc-ta sản xuất muối cần đến 30 người, trong khi ở các nước 1ha chỉ cần 1 người.
Ngoài ra, có một nghịch lý, trong khi lượng muối trong nước tồn đọng nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu muối từ nước ngoài. Vì vậy, để vực dậy ngành muối không chỉ nâng cao chất lượng muối; thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp và hạn chế nhập khẩu muối.
“Doanh nghiệp và diêm dân phải cùng đầu tư, cơ giới hóa khâu thu hoạch để sản xuất muối sạch, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp. Về chất lượng, nếu thanh lọc tốt, muối của ta hoàn toàn có thể sử dụng trong công nghiệp. Một số lô hàng muối sạch đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Thực tế trên chứng minh: Nếu được đầu tư công nghệ thì sản xuất muối trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước, thậm chí còn hướng tới xuất khẩu muối bền vững, ông Lê Văn Đấu khẳng định.
Bài và ảnh: NGỌC THẢO