KBTS để THADS là một trong những biện pháp cưỡng chế, được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án (THA) có nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, họ có tài sản để thực hiện nghĩa vụ đó nhưng lại không tự nguyện thực hiện. Trong THADS, KBTS để THADS là biện pháp được Nhà nước sử dụng để bắt buộc người phải THA phải thực hiện nghĩa vụ. Bởi vậy, các quy định pháp luật THADS về cưỡng chế KBTS là cơ sở pháp lý không thể thiếu khi thực hiện biện pháp này. Tránh việc người phải THA chống đối, cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoặc người phải THA tẩu tán tài sản, không chịu THA; bảo đảm việc xét xử, thi hành bản án và các quyết định của cơ quan nhà nước được thuận lợi, đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bình Gia (Lạng Sơn), cho biết: "Hiện nay, biện pháp cưỡng chế KBTS được quy định tại Chương IV, Luật THADS năm 2008 sửa đổi năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS 2014). Tài sản bị cưỡng chế kê biên để THA có thể là tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải THA nhưng cũng có thể là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác. So với cưỡng chế KBTS riêng của người phải THA, việc cưỡng chế KBTS là tài sản chung thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác thường khó khăn, phức tạp hơn. Vì thế, việc cưỡng chế KBTS với tài sản chung phải thực hiện đúng các quy định của Luật THADS 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS 2014, như: Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS 2014; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1-8-2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THA dân sự và phối hợp liên ngành trong THA".

Tuy nhiên, đối với vấn đề cưỡng chế KBTS chung, theo luật sư Trần Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Cho đến nay các văn bản pháp luật THADS chưa có điều luật quy định cụ thể về tài sản chung bị cưỡng chế kê biên để THA bao gồm những loại tài sản nào. Nếu hiểu theo Điều 204 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản chung bị cưỡng chế kê biên để THADS là tài sản thuộc sở hữu chung. Trong khi đó “sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung”. Trên thực tế, các trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều chủ sở hữu có thể là tài sản chung vợ chồng, tài sản công ty, tài sản chung của thôn, làng… thậm chí là tài sản chung về sở hữu trí tuệ. Tại Điều 74 Luật THADS 2014 có quy định về tài sản chung bị xác định, phân chia, xử lý để THA nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên việc xác định tài sản chung được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo cách hiểu đơn giản nhất tài sản chung được xác định là tài sản thuộc quyền sở hữu của nhiều người. Quyền sở hữu tài sản của nhiều người này thường bao gồm các quyền của nhiều người đối với tài sản như quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Tuy nhiên, do có những loại tài sản đặc biệt chỉ được Nhà nước công nhận cho chủ thể quyền sử dụng (như quyền sử dụng đất) nên tài sản thuộc sở hữu chung này còn có thể hiểu là tài sản thuộc quyền sử dụng chung của nhiều người.

Thêm nữa, thủ tục xác định, phân chia, xử lý phần tài sản của người phải THADS trong khối tài sản chung được quy định tại Khoản 1, Điều 74 Luật THADS 2014 có nhiều điểm chưa thống nhất với hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Đồng thời, do chưa có quy định về các tiêu chí chung nên việc xác định tài sản nào là tài sản chung có thể chia được và tài sản chung không thể chia được là rất khó khăn, dễ gây tranh cãi và thiếu minh bạch trong quá trình cưỡng chế KBTS.

Chính vì vậy, thời gian tới các quy định pháp luật về cưỡng chế KBTS để THADS cần được hoàn thiện theo hướng quy định rõ ràng và cụ thể hơn về tiêu chí xác định các loại tài sản chung. Cần quy định người có tài sản sở hữu chung với người phải THA không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ trong bản án, quyết định đang được tổ chức THA. Có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý kê biên với tài sản chung không chia được và tài sản chung chia được nhưng không làm giảm giá trị của tài sản và ảnh hưởng tới quyền sở hữu chung của các chủ thể khác. Trình tự, thủ tục, thời hạn trong việc bán tài sản, ưu tiên mua lại phần tài sản phải thi hành án của chủ sở hữu chung cũng cần được quy định theo hướng ngắn gọn và phù hợp với thực tiễn.

 

DƯƠNG SAO