Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nông sản ở các vùng dịch bị ùn ứ, trong đó nhiều nhất là tại tỉnh Hải Dương... Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) cho các địa phương vùng có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và các tỉnh giáp ranh.

 Nông sản ở các vùng dịch bị ùn ứ do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Thảo Nguyễn

Nói rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã chủ động ban hành các chỉ đạo, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp tiêu thụ hàng hóa, nông sản hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, Bộ đã làm việc trực tiếp với các chuỗi phân phối lớn tại phía Bắc như Central Retail (Big C, GO!), VinCommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market, Saigon Co.op (Co.opmart),… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông sản, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Cùng với đó, thông qua làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ chi tiết về thực tiễn, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ hàng hóa, nông sản, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của vùng có dịch. Trên cơ sở báo cáo của Bộ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương lưu ý tới kiến nghị của Bộ, tránh gây khó khăn cản trở cho thu mua tiêu thụ nông sản.

Vừa qua, ngay khi nhận được Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25-2-2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã bắt tay vào xây dựng công văn hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Sau buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống phân phối, chiều 1-3-2021, ngay tối cùng ngày, Bộ Công Thương đã ban hành công văn này. Trong công văn, có nội dung: “Khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn; xử lý, hướng dẫn và tiếp nhận các thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối này (địa chỉ trụ sở, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử…) để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ khi cần thiết”.

Phân tích rõ hơn về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay tại các địa phương đều đã có những cơ quan chuyên môn phụ trách về từng lĩnh vực, như liên quan dịch bệnh là Y tế, sản xuất nông nghiệp là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vận chuyển hàng hóa là Giao thông vận tải, thu mua tiêu thụ là Công Thương.

Do đó, các địa phương có quyền không thành lập thêm cơ quan đầu mối chỉ để cấp giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng có thẩm quyền và có thể chủ động thành lập/chỉ định một đơn vị đầu mối riêng phụ trách vấn đề này, như Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố, Tổ liên ngành,… để bảo đảm trách nhiệm triển khai.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần tháo gỡ nhanh chóng cho người có nhu cầu thu mua, tiêu thụ khi họ gặp khó khăn, hỗ trợ cho người nông dân, nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng dịch”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Nhiều siêu thị hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương.  Ảnh: Thảo Nguyễn

Ngoài ra, hiện đã đến mùa thu hoạch nông sản các loại với sản lượng lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại giảm đi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cung tăng, cầu giảm, nên chắc chắn xảy ra dư thừa. Do đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản không chỉ cần thực hiện đối với vùng có dịch, mà cả các địa phương không có dịch, tuy nhiên trên hết phải bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương để tiêu thụ trong hệ thống. MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết ngày 18-2-2021 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn. Đến nay, công tác lưu thông hàng hóa cơ bản đã không còn bị ách tắc. 

 

Tại các địa phương khác, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp được triển khai thực hiện theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng trước đây theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Đồng thời, các địa phương vẫn luôn chú trọng đến nguồn cung các hàng hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương.

Do đó, theo báo cáo của các địa phương, thị trường cơ bản không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch Covid-19. 

PHƯƠNG HẰNG