Làm giàu cho gia đình và xã hội

Tỉnh Nghệ An hiện có 5.278 trang trại, gia trại, trong đó có 875 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), bình quân mỗi trang trại có giá trị hàng hóa đạt 700 triệu đồng trở lên. Năm 2015, các trang trại đạt tiêu chí mới đã tạo việc làm cho hơn 3.600 lao động, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Kinh tế trang trại cũng đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường. Đạt giá trị cao nhất là các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, tiếp đến là các trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, trồng cây ăn quả. Ở các huyện: Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳnh Lưu… nhiều chủ trang trại đã bán ra thị trường hàng trăm tấn chè búp, thịt lợn, cá, gà, vịt, mật ong… thu về nhiều tỷ đồng.

Ông Hoàng Đình Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết: “Số lượng trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các chủ trang trại còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới”.

Trang trại của ông Đặng Anh Tuấn (xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương) là một điển hình. Năm 1995, ông Tuấn khởi nghiệp với số vốn 800 triệu đồng để trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, trồng rừng, đào ao thả cá và  nuôi gà số lượng lớn, sau đó phát triển thêm mô hình chăn nuôi lợn giống ngoại. Hiện trang trại của ông Tuấn có tổng diện tích 15,5ha, bình quân mỗi năm thu 13 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 14 công nhân với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

leftcenterrightdel

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Đặng Anh Tuấn (xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: THÚY HẰNG 

Tất cả đều “tự túc”

Kinh tế trang trại của tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, người dân đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và các chủ trang trại vẫn phải dựa vào sức mình là chính.

Thực tế hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế về phát triển nông nghiệp, tuy nhiên lĩnh vực kinh tế trang trại vẫn chưa có chính sách riêng. Các chính sách lồng ghép chưa sát thực tế dẫn đến kinh tế trang trại phát triển còn chậm, chưa tạo được đột phá để hình thành những trang trại quy mô lớn. Tại tỉnh Nghệ An, dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua tại các kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVI nhưng chưa được phê duyệt.

Một thực trạng chung tại tỉnh Nghệ An là phần nhiều đất đai của các trang trại là đất thuê và nhận khoán, nhưng vẫn chưa được thuê, khoán lâu dài theo quy định của pháp luật nên chủ trang trại chưa yên tâm đầu tư vốn cũng như khó khăn trong vay vốn ngân hàng để phát triển. Hiện nay chỉ có gần 200/875 gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh được cấp giấy CNQSD đất.

Gia đình ông Trần Văn Minh (xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương) đã đầu tư phát triển trang trại nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy CNQSD đất, dẫn đến khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất. Ông Minh, cho biết: “Việc cấp giấy CNQSD đất chậm khiến chúng tôi không vay được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật. Việc mở rộng trang trại, phát triển thêm các mô hình gia đình tôi đều “tự túc”, lời lãi đến đâu đầu tư, xây dựng đến đó”.

Một số chủ trang trại gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Hùng cho biết: “Các chủ trang trại thường có nhu cầu vay vốn lớn bởi đặc thù của kinh tế trang trại là vốn nhiều mà thu hồi chậm, nếu như vay vốn ngắn hạn hoặc trung hạn thì sẽ “trở tay” không kịp để trả cả vốn và lãi. Chủ trang trại muốn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đòi hỏi phải có giấy CNQSD đất, trong khi việc cấp giấy CNQSD đất hiện còn chậm và rất ít. Đây là bất cập cần tháo gỡ”.

Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, các chủ trang trại đều “tự túc” tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên dễ bị các thương lái ép giá. Trong số các trang trại lớn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng chỉ có 2-3 trang trại liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo nên các thương hiệu sản phẩm...

leftcenterrightdel

Vùng đồi chè huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ngoài mang lại giá trị kinh tế còn có tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: NGUYỄN TRỌNG SÁCH.

 “Gỡ khó” cho kinh tế trang trại

Để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, các cấp, các ngành cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách.

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của các chủ trang trại là đất đai và vốn. Các chủ trang trại đều rất mong muốn Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh tiến độ cấp giấy CNQSD đất, đơn giản hóa các thủ tục để các chủ trang trại yên tâm đầu tư lớn về vốn, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật. Các ngân hàng cũng cần tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, dễ dàng hơn và tăng cường cho vay tín chấp thay bằng thế chấp với số vốn lớn và hình thức dài hạn. Ông Nguyễn Văn Bính, Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An kiến nghị: “Theo Nghị định 55 của Chính phủ, các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chủ trang trại vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này do các ngân hàng còn rất e ngại trong việc cho vay bằng hình thức tín chấp. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho các chủ trang trại được vay vốn theo quy định tại nghị định này”.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách giao đất ổn định, lâu dài cho các trang trại, thực hiện cấp  giấy CNQSD đất kết hợp với cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, các ngành chức năng cần hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các trang trại. Hiện nay, các trang trại vẫn chưa xây dựng được mô hình liên kết đầu vào cũng như đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Ông Trịnh Phương Huy, Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại huyện Nam Đàn, cho rằng: “Cần tăng cường công tác tập huấn kiến thức phát triển kinh tế trang trại như chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức tham quan các mô hình trang trại theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, tham dự hội chợ, triển lãm... để các chủ trang trại học tập, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.

HOÀNG HOA LÊ