Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao. Với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc; Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu KH&CN. Chính vì vậy, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhờ vậy, 70% số nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng, duy trì và nhân rộng, góp phần quan trọng trong thực hiện tốt chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi.
 |
Mô hình Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển một số giống xoài mới tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La". Ảnh: TRẦN THÙY |
Một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công là mô hình trồng cây thanh long đỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Dung, ở tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Trước đây, gia đình bà Dung chủ yếu làm nương rẫy, trồng ngô, mía, thu nhập thấp, lại vất vả, tốn nhiều sức lao động, lợi nhuận kinh tế thấp. Đến năm 2016, sau khi tham quan các mô hình trồng thanh long thành công, gia đình bà quyết định đổi sang trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2019, được sự quan tâm và tuyên truyền của tỉnh, gia đình đã sản xuất cây thanh long theo hướng hữu cơ, để bảo đảm an toàn, dễ tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, gia đình bà sở hữu khoảng 1.300 trụ thanh long ruột đỏ, mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 tấn quả và thu lãi khoảng 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương. Để tiếp tục phát triển, bà Dung đã vận động bà con trong xã cùng trồng thanh long ruột đỏ và thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng. Thanh long ruột đỏ của hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước lớn như Trung Quốc, Nga,...
Ông Phạm Quang An, giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La cho biết, mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Mai Sơn cho thu hoạch 20 tấn/ha với giá bán 30.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 200-300 triệu/ha. Từ kết quả của dự án trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, thành lập hợp tác xã sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời lựa chọn và đăng ký chứng nhận bốn cây thanh long đầu dòng, là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra các huyện Mai Sơn, Yên Châu, TP Sơn La, Sông Mã, Mường La. Hiện nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh là 133ha, sản lượng 404 tấn. Sản phẩm thanh long ruột đỏ được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, các siêu thị tại Hà Nội, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE và đang được chào hàng sang một số nước khác.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ khác tại Sơn La cũng phát triển mạnh, đem lại lợi nhuận cao như: Mô hình sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu. Hằng năm, công ty cung cấp 3-4 triệu cây giống cho vùng đồng bằng Sông Hồng và sản xuất cà chua thương phẩm từ giống, cung cấp sản phẩm cà chua an toàn cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội; mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty Cổ phần hoa nhiệt đới đã thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, doanh thu 1,5-2 tỷ ha/năm, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng).
Ông Phạm Quang An chia sẻ: “Có thể khẳng định các nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bám sát theo yêu cầu thực tiễn địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. Trong thời gian tới, Sơn La tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu KH&CN, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; bảo quản, chế biến các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; ứng dụng phần mềm điều khiển các thiết bị kỹ thuật số trong nông nghiệp nhằm điều khiển hệ thống tưới tiêu, nhà lưới, nhà kính; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng, đề xuất nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn tại địa phương.
THÙY DUNG