Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, CPTPP hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia khi tạo nên một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, có quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.

Vị thế của Việt Nam đã ở một tầm cao mới

Phóng viên (PV): Việt Nam chuẩn bị các thủ tục để sớm phê chuẩn CPTPP có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: CPTPP là hiệp định thương mại tự do mang tính chiến lược rất cao, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng được thể hiện rõ hơn ở nhiều quốc gia. Việt Nam là thành viên tham gia sáng lập hiệp định này. Điều này thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong quá trình tạo lập nên luật chơi chung trên quy mô thế giới, là bước tiến mới trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Tham gia CPTPP đồng nghĩa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và bản đồ thương mại quốc tế đã bước lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh này, việc Việt Nam phê chuẩn CPTPP là bước đi cần thiết hiện thực hóa mong muốn và nhu cầu cải cách thể chế, nhằm tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

PV: CPTPP sẽ tác động cụ thể như thế nào tới nền kinh tế nước ta?

Ông Nguyễn Anh Dương: Phần quan trọng của CPTPP là giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài. Thực tiễn, Việt Nam đã qua giai đoạn sử dụng hội nhập kinh tế quốc tế như một động lực để cải cách thể chế mà hiện nay việc cải cách thể chế trong nước là nhu cầu tự thân của Nhà nước, Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Về triển vọng kinh tế, theo nhiều tính toán, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác. Không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ..., CPTPP còn xử lý những vấn đề mới, như: Lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước... Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tính đến năm 2030, theo các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 1,1%; nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP có thêm ước tính lên tới 3,5%. Có thể khẳng định, CPTPP sẽ tác động và mang lại lợi ích toàn diện cả về chính trị-đối ngoại lẫn kinh tế, xã hội cho Việt Nam.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, CPTPP là hướng đi đúng đắn chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Ông Nguyễn Anh Dương: CPTPP thể hiện là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, làm thay đổi cuộc chơi trong tự do hóa thương mại. Việc chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện ở nhiều quốc gia khiến tiến độ đàm phán các hiệp định thương mại tự do ít nhiều có sự chậm lại, đặc biệt với các hiệp định có sự tham gia của nhiều bên. Nhưng chủ nghĩa bảo hộ và cách làm song phương nhằm hạn chế thương mại chỉ có tính chất thời điểm và chỉ có ý nghĩa với một số quốc gia nào đó chứ không có ý nghĩa nhiều ở bình diện thế giới.

Theo tôi, CPTPP là tiếng nói quan trọng của rất nhiều nền kinh tế thành viên, của các nền kinh tế tiềm năng đang quan tâm tới hiệp định này. CPTPP sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác đa phương. Như vậy, con đường để trở lại với quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ được bắt đầu và thúc đẩy trong thời gian tiếp theo.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế 

PV: Ông đề cập tới nhiều cơ hội, vậy thách thức từ CPTPP là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: Cải cách thể chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đây vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào sân chơi chung. Như vậy, quan trọng là Việt Nam phải duy trì được đà cải cách một cách liên tục và có chất lượng sau khi chúng ta gia nhập CPTPP. Ngược lại, nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt của Chính phủ cho tới các cấp cơ sở thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại. Như vậy áp lực cải cách thể chế là rất lớn đối với Chính phủ.

Ngoài ra, làm thế nào để xây dựng được mối quan hệ với nhà đầu tư nước ngoài, CPTPP sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam nhưng làm thế nào truyền tải được lợi ích từ nhà đầu tư tới sự phát triển của cộng đồng DN trong nước, thách thức cả về điều hành tỷ giá khi dòng tiền vào nhiều... Chúng ta rõ ràng không muốn tình trạng nhà đầu tư vào nhiều, xuất khẩu được nhiều nhưng DN nhà nước lại thu được lợi ích khiêm tốn. Do đó, Việt Nam phải chọn được đối tác phù hợp, trọng tâm nhất vào những ngành Việt Nam có lợi thế.

 PV: Để CPTPP tạo ra tác động lớn như kỳ vọng, ngoài nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng DN cần làm gì?

Ông Nguyễn Anh Dương: Đối với các DN Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Anh Dương.

Chính bản thân DN phải chủ động tìm hiểu thông tin một cách thực chất, trọng tâm phù hợp với chiến lược đầu tư kinh doanh của DN. CPTPP có tiêu chuẩn cao, DN Việt Nam chủ yếu vừa và nhỏ nhưng hoàn toàn có thể tham gia được thị trường này, phụ thuộc vào chiến lược và tầm nhìn kinh doanh.

Các DN lớn và vừa có thể tìm hiểu và khai thác trực tiếp ngay khi CPTTP có hiệu lực. Còn các DN nhỏ khác có thể chọn con đường gián tiếp, lâu dài hơn. Trước mắt khai thác các hiệp định quy mô nhỏ hơn để tích lũy kinh nghiệm tổ chức sản xuất, quan hệ, thương hiệu, đối tác. CPTPP là cuộc chơi lâu dài.

Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Canada, Australia đã phê chuẩn CPTPP, tạo điều kiện cho hiệp định được bắt đầu thực thi từ tháng 12-2018.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

VŨ DUNG (thực hiện)