Nền kinh tế tiếp tục ổn định
Theo đánh giá của Chính phủ, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016, kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 6,9% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng chỉ tăng 1,91% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến giữa tháng 8 là gần 604 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% dự toán. Thu hút FDI tiếp tục khả quan, tổng vốn đăng ký 8 tháng qua gần 14,4 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện gần 9,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước tăng 5,5% so với cùng kỳ. Việt Nam vẫn là nước xuất siêu, với mức xuất siêu 8 tháng bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu... Thời gian qua, lãnh đạo các cấp đã tích cực đôn đốc việc thực hiện kế hoạch năm, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Nhờ đó, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 19,7%. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế.
Không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được khôi phục một bước rất quan trọng. Nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải cách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Khát vọng phát triển của các địa phương đã thể hiện rõ với quyết tâm mạnh mẽ để địa phương không còn nghèo, không phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách.
Chính phủ họp bàn nhiều vấn đề quan trọng trong xây dựng thể chế, tạo thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế-xã hội nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chưa cao; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; xuất khẩu tăng chưa như kỳ vọng… Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, không vì những khó khăn khách quan mà đề nghị hạ chỉ tiêu do Quốc hội giao. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phấn đấu mỗi thành phố thu ngân sách vượt kế hoạch 10.000 tỷ đồng; các địa phương khác nỗ lực để tự cân đối ngân sách.
Luật pháp phải tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ phải kiểm tra xem bộ máy đã thực sự chuyển động, đã hướng về người dân và doanh nghiệp hay chưa.
Thủ tướng cho rằng muốn xây dựng hệ thống hành chính phục vụ thì trước tiên phải thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khoa học, khả thi, hợp lý, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, các bộ, ngành phải đánh giá kỹ tác động, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách. Các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: TTXVN.
Trên tinh thần đó, tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh; dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Dự án Luật Du lịch (sửa đổi); dự án Pháp lệnh Phí và Lệ phí của tòa án; Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Trong đó, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh là dự án luật vô cùng quan trọng, được người dân và doanh nghiệp rất mong đợi. Luật này sẽ được dùng để tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trong các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh hiện hành đang làm khổ doanh nghiệp. Dự án luật này cũng sẽ khắc phục được tình trạng phân chia quản lý, mà sâu xa là phân chia lợi ích theo kiểu “quyền anh, quyền tôi” của các bộ, ngành đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ cương, tính minh bạch
Đối với dự thảo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ mới. Đây chính là nghị định khung để các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế làm việc của mình, khắc phục sự giao thoa, khoảng trống trách nhiệm. Tinh thần của quy chế làm việc là tăng cường công khai minh bạch hoạt động của Chính phủ trước nhân dân để dân biết, có ý kiến và giám sát.
Nhận định một trong những nguyên nhân chậm trễ của các bộ, ngành chính là ở cấp chuyên viên, cấp vụ và có tình trạng phải gặp người đề xuất mới xử lý công việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường “xử lý công việc qua mạng”, tránh để người dân và doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, dễ nảy sinh tiêu cực. Vì thế, vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn này phải được đặt ra rõ ràng hơn, có lộ trình, bước đi cụ thể hơn từ Trung ương đến cấp quận, huyện, xã. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xem xét đánh giá hiệu quả của hệ thống phần mềm xử lý công việc hiện nay để tiếp tục hoàn thiện.
Tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Chính phủ về kết quả kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đây cũng là một biện pháp để kiểm chứng xem lời nói có đi đôi với việc làm hay không. Thủ tướng chỉ đạo, sắp tới sẽ tiếp tục kiểm tra một số bộ, UBND tỉnh, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ, không để tình trạng nói rồi để đó.
Theo số liệu thống kê trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, từ đầu năm đến ngày 29-8-2016, có tổng số 3.726 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó có 1.739 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 1.310, quá hạn: 429); chưa hoàn thành: 1.987 (trong hạn: 1.812, quá hạn: 175). Một số bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện, như các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ; các UBND: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng…
Văn phòng Chính phủ sẽ thông tin công khai trên Cổng TTĐT của Chính phủ và báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng về kết quả kiểm tra của Tổ công tác cũng như nêu tên các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, các bộ, cơ quan, địa phương yếu kém, bị phê bình.
Thể hiện sự minh bạch, nêu cao tinh thần tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động, Chính phủ đã nghe báo cáo chuyên đề do Bộ Tài chính trình về “Tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công”, trong đó có các tài sản như: Công sở, xe công. Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, mang tính cách mạng để người dân thấy rằng Chính phủ sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi công sức của nhân dân.
Thường trực Chính phủ đã bàn về việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước có lợi nhuận lớn như: Tổng công ty Bia Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo chỉ đạo của Thủ tướng với những doanh nghiệp nêu trên, nếu tư nhân có thể đầu tư và kinh doanh tốt thì nên để cho tư nhân làm. Nhà nước sẽ dành nguồn lực để đầu tư vào những ngành then chốt. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước phải bảo đảm tính minh bạch, theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải ngay lập tức niêm yết trên sàn chứng khoán, đấu giá công khai để chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Trong những ngày qua, có thể thấy được mật độ công việc dày đặc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những cuộc họp ngoài giờ; những chuyến công tác, kiểm tra, đôn đốc như con thoi trong cả ngày nghỉ đã trở nên quen thuộc. Quyết tâm lớn của người đứng đầu Chính phủ đang được thể hiện bằng những hành động rất quyết liệt. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cả hệ thống chúng ta phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.
Chúng ta đang rất trông mong, làm thế nào để toàn bộ hệ thống hành chính, cho tới toàn thể xã hội ta đều thắp lên một khát vọng cống hiến cháy bỏng, thì chắc chắn rằng, những yếu kém đã được chỉ ra bấy lâu nay của đất nước ta sẽ được khắc phục. Và Việt Nam sẽ tăng tốc phát triển.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết các thông tin liên quan đến việc thua lỗ của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thời gian ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) làm lãnh đạo.
Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra làm rõ vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại PVC. Thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC giai đoạn 2008-2013. Trọng tâm của thanh tra là việc đầu tư, thực hiện các dự án, qua đó kết luận rõ đúng-sai việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ với ông Trịnh Xuân Thanh.
|
HỒ QUANG PHƯƠNG