Hệ thống các trường sư phạm có bề dày truyền thống đáng tự hào nhất trong khối các trường đại học của nước ta. Trải qua 60 năm, các trường sư phạm đã đào tạo được khoảng 2 triệu nhà giáo có tâm huyết và trình độ, đóng vai trò quan trọng vào việc cung cấp giáo viên cho bản làng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng mù chữ, làm nên kỳ tích được thế giới ca ngợi. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống các trường sư phạm đang đứng trước những bất cập đòi hỏi phải có sự tháo gỡ nhanh chóng.

Thiếu kinh phí, thừa sinh viên

Do những năm gần đây quy mô học sinh các cấp học phổ thông đang dần đi vào ổn định, nhiều địa phương không có nhu cầu tuyển dụng thêm giáo viên, dẫn đến thực tế là sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có chỗ làm trong ngành giáo dục. Có trường sư phạm như: cao đẳng Sư phạm Long An đã phải tạm dừng tuyển sinh 1 - 2 năm. Nhiều trường sư phạm đã phải dừng tuyển sinh một số loại hình đào tạo mà xã hội đã thừa giáo viên, nhất là các môn khoa học xã hội nhân văn. Có trường sư phạm đã phải đổi tên như: Cao đẳng sư phạm Bến Tre đổi thành Cao đẳng Bến Tre; Cao đẳng sư phạm Cần Thơ đổi thành Cao đẳng Cần Thơ;...

Không những vậy, toàn bộ các trường sư phạm đều rất yếu về nguồn lực tài chính. Nguyên nhân là do chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm nên các trường chỉ còn trông chờ vào ngân sách nhà nước. Các trường đại học khác theo quy định được giữ lại một tỷ lệ tương ứng (40%) nguồn thu từ học phí để trang trải. Trong thực tế nhiều trường dân lập nhờ vào nguồn học phí này mà đời sống giáo viên khá hơn so với mặt bằng chung. Còn các trường sư phạm thì không được lợi thế ấy.

Chính sách miễn học phí bên cạnh mặt tích cực là thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, nhưng cũng làm nảy sinh thực tế là một số sinh viên sau khi tốt nghiệp không phục vụ trong ngành sư phạm mà làm các việc khác. Ví dụ rõ nhất là các sinh viên tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ đa số không đi dạy chính quy mà chọn làm phiên dịch, thư ký, hướng dẫn viên,... Như vậy, chủ trương lớn của đất nước bên cạnh ý nghĩa xã hội to lớn đã tạo nên những thất thoát trong đào tạo và quan trọng hơn là làm yếu đi cả một hệ thống các trường sư phạm rộng khắp. Nhiều trường sư phạm còn thiên về số lượng mà không quan tâm đúng mức đến chất lượng đào tạo. Sự gắn kết giữa các trường sư phạm và các trường mầm non, phổ thông chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý chưa cao. Tỉ lệ giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học của hệ thống đại học nước ta thấp hơn so với các trường đại học ở những nước phát triển.

Sẽ thay đổi mạnh mẽ

Để vừa kế thừa và phát huy truyền thống của hơn 100 trường sư phạm, vừa không gây thêm lãng phí vì những người tốt nghiệp sư phạm không có việc làm hoặc làm không đúng công việc đất nước cần, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có chủ trương đổi mới mạnh mẽ hệ thống các trường sư phạm.

Thay đổi lớn nhất là có thể sẽ “biến mất” tên gọi của hàng loạt trường sư phạm địa phương. Những trường vẫn giữ tên gọi sư phạm thì bản chất hoạt động cũng thay đổi ít nhiều vì đa số các trường sư phạm sẽ không chỉ đào tạo giáo viên mà chuyển sang đào tạo các kỹ sư, cử nhân ngành nghề khác.

Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng quyết định không tiếp tục đào tạo giáo viên trình độ trung cấp, đồng thời có kế hoạch nâng cấp các trường trung cấp sư phạm lên cao đẳng; Củng cố, phát triển các trường, khoa sư phạm kỹ thuật,... Các trường sư phạm mở thêm các ngành kinh tế, dịch vụ, y tế, thủy sản, kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải, nông lâm nghiệp để bổ sung và đồng bộ đội ngũ giáo viên. Đối với các trường cao đẳng sư phạm địa phương, việc chuyển sang đào tạo đa ngành hay chuyên ngành sư phạm cho phù hợp sẽ do UBND các tỉnh, thành phố quyết định để phù hợp với nhu cầu thực tế. Xu hướng chuyển từ đào tạo đơn ngành (sư phạm) sang đa ngành đang trở thành hiện thực không xa của các trường sư phạm.

Tuy nhiên, phát triển đa ngành không có nghĩa là Bộ không coi trọng việc đào tạo người thầy mà sẽ tập trung đầu tư nguồn lực cho 2 trường đại học sư phạm trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hướng nghiên cứu để đào tạo giáo viên chất lượng cao cho bậc học phổ thông, giúp các trường sư phạm khác đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đối với các trường đại học sư phạm đặc thù như: kỹ thuật, ngoại ngữ, thể dục, âm nhạc, mỹ thuật trực thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo vẫn đào tạo theo mô hình truyền thống. Đồng thời, xây dựng những trường sư phạm đặc thù đầu đàn về kỹ thuật, ngoại ngữ, thể dục... để tăng quy mô đào tạo hợp lý, đáp ứng nhu cầu giáo viên các loại hình này còn đang rất thiếu ở các địa phương.

Tăng thêm sức mạnh cho đội ngũ nhà giáo

Ngay trong năm 2007, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ thành lập Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc làm này không những giải tỏa được dư luận xì xào bấy lâu từ khi Bộ xóa bỏ Vụ Giáo viên rằng “làm giáo dục mà không coi trọng việc chăm lo người thầy thì không thể phát triển được” mà còn tiếp thêm sức mạnh cho hơn một triệu nhà giáo đang đứng lớp. Họ sẽ có địa chỉ cụ thể để gửi gắm các kiến nghị cũng như thắc mắc liên quan đến nghề nghiệp cũng như đời sống.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có lộ trình chi tiết cho từng năm, từ nay đến năm 2010. Việc đầu tiên được quan tâm là triển khai thí điểm đào tạo lại như bồi dưỡng các hiệu trưởng, xây dựng và thông qua đề án đào tạo tiến sĩ cho các trường sư phạm để tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 20%. Bộ cũng đã có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục như lập đề án đào tạo tiến sĩ cho các trường và khoa sư phạm từ nay đến 2020, trong đó 50% gửi đi đào tạo nước ngoài và 50% đào tạo trong nước.

HOÀNG HOA