QĐND - Vừa qua, Báo Quân đội nhân dân đã nhận được phản ảnh của hàng chục hộ dân tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, con em họ đã bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để làm hợp đồng đi lao động nước ngoài nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả người lao động đã phải tay trắng trở về nước do không có công việc và không được trả lương như đã thỏa thuận.

Với ước mơ giúp các con đổi đời, mặc dù bị mù lòa và ở hoàn cảnh nghèo khó, nhưng ông Nguyễn Công Đinh ở xã Tân Hội, Đan Phượng vẫn cố vay mượn 70 triệu đồng để đặt cọc tại Công ty TNHH tuyển dụng lao động Hoàng Thắng (Công ty Hoàng Thắng), địa chỉ ở đường Chiến Thắng, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, để hai con đi xuất khẩu lao động. Theo thỏa thuận ký với công ty, người lao động được đưa đi làm việc tại Đài Loan, với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, các con ông Định mới biết mình bị đưa sang Quảng Đông, Trung Quốc và làm việc trong công ty sản xuất đồ hộp. Sau tháng làm việc đầu tiên, con ông đã không nhận được bất cứ đồng lương nào.

Ông Đinh bức xúc: "Những thỏa thuận được ký trong hợp đồng rất hợp lý, theo như hợp đồng thì tổng số tiền đi xuất khẩu lao động là 120 triệu đồng, trong khi công ty chỉ yêu cầu đóng trước 35 triệu đồng, số còn lại sẽ trừ dần vào tiền lương sau này nên chúng tôi rất tin tưởng. Nhưng làm việc hết tháng đầu tiên, con tôi không được nhận lương. Nếu muốn nhận thì phải nộp lại hết hộ chiếu cho ông Thắng (Giám đốc Công ty Hoàng Thắng), còn không thì sẽ không được trả lương. Do không chịu nộp lại hộ chiếu, nên giữa đêm con trai tôi bị đuổi ra khỏi nơi ở".

Sau khi về nước, chị Nguyễn Thị Minh đau đáu nỗi lo, lấy đâu ra tiền để trả nợ khoản tiền vay để đi xuất khẩu lao động?

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Minh ở xã Tân Hội cũng đặt cọc số tiền 70 triệu đồng tại Công ty Hoàng Thắng để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Chỉ sau 10 ngày đặt cọc, chị đã được công ty làm hộ chiếu và cho xuất cảnh. Trước khi đi xuất khẩu lao động, mẹ con chị Minh không được học tiếng, không được khám sức khỏe và cũng không được giữ lại bất cứ bản hợp đồng nào đã ký với công ty, mà chỉ được giữ biên lai nộp tiền. Đó là những dấu hiệu bất thường mà người lao động đã phát hiện khi làm hợp đồng với Công ty Hoàng Thắng. Nhưng khi hiểu ra thì mọi chuyện đã muộn.

Chị Minh cho biết: Theo hợp đồng thì chúng tôi sang Đài Loan làm việc. Song, thực chất họ đưa chúng tôi sang Đại lục làm việc. Đi làm quần quật suốt cả tháng mà không được trả lương, trái lại họ cứ đòi giữ hộ chiếu. Sau khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, tất cả 9 người đi cùng đợt với tôi đều thống nhất trở về nhà. Chúng tôi về Việt Nam, tìm đến Công ty Hoàng Thắng để mong nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thật lạ kỳ, người tiếp chúng tôi lại là vợ ông Thắng, khi chúng tôi đòi lại tiền thì bà ấy trả lời ráo hoảnh: “Ra sân bay mà đòi tiền”.

Được biết, đã có gần 20 người lao động ở xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), huyện Thạch Thất và ở tỉnh Thái Nguyên cùng chung cảnh ngộ như trên. Trở về nước, những người nhẹ dạ cả tin này đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Hoàng Thắng. Điều lạ là UBND xã Tân Hội mặc dù đã ký duyệt, đóng dấu vào các hồ sơ đi lao động ở nước ngoài, nhưng chẳng hay biết gì về việc làm sai trái của Công ty Hoàng Thắng. Mãi đến khi những người lao động trở về nước làm đơn tố giác thì chính quyền địa phương mới tá hỏa là mình đã "vô tình" tiếp tay cho hành vi sai trái.

Ông Đỗ Văn Mười, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội, cho biết: Sau khi nhận được phản ảnh của người dân về những dấu hiệu lừa đảo của Công ty TNHH tuyển dụng lao động Hoàng Thắng, chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ và báo cáo lên UBND huyện và Công an huyện Đan Phượng. Bình thường trong các bộ hồ sơ xuất khẩu lao động, UBND xã chỉ có trách nhiệm ký xác nhận hộ khẩu thường trú của người lao động. Nhưng lần này, xã có ký thêm xác nhận một bản cam kết trách nhiệm giữa ba bên: Đơn vị lao động, người lao động và UBND xã.

Khi được hỏi, tại sao lãnh đạo lại ký những nội dung không thuộc phạm vi? Ông phó chủ tịch xã trả lời, vì hồ sơ nhiều quá, không kiểm tra kỹ nên chúng tôi mới ký. Bây giờ xảy ra những sai sót nên chúng tôi mới bị liên quan trách nhiệm.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2013, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Thời gian gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, đem con bỏ chợ đã liên tục xảy ra. Lý do là một số doanh nghiệp không có chức năng, không có giấy phép, nhưng vẫn đưa người đi lao động trái pháp luật… Bộ LĐ-TB và XH đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý nhiều vụ việc.

Hiện tại, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (Bộ Công an) đang khẩn trương tiến hành xác minh và làm rõ những hành vi bất thường của Công ty TNHH Hoàng Thắng. Dư luận xã hội, nhất là những người nhẹ dạ cả tin bị Công ty Hoàng Thắng lừa, rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra xác minh và xử lý nghiêm hành vi lừa đảo nêu trên, cũng như những người đã tiếp tay cho hành vi này. Có như vậy, mới ngăn chặn được những vi phạm tương tự xảy ra và quyền lợi chính đáng của người lao động mới được bảo vệ.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG