QĐND Online – Chiều 16-12, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi tọa đàm chia sẻ với các nhà khoa học trẻ và sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội kinh nghiệm về tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học.
 |
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học cùng sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội |
Theo GS Ngô Bảo Châu, không chỉ nghiên cứu khoa học mà bất kỳ hoạt động nào cũng thể hiện ở quy trình và phẩm chất. Riêng với nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm cá nhân GS đã đúc rút ra 10 bước cơ bản. Trong đó, ba việc đầu tiên là xác định phạm vi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu và tìm kiếm thông tin. Trong đó, tìm ra vấn đề nghiên cứu, luôn là việc khó khăn nhất.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Việc tìm kiếm thông tin liên quan đến vấn đề nghiên cứu không chỉ dừng ở việc tìm tìm những thông tin mới xuất hiện gần đây mà phải tìm những bài báo có tính chất “kinh điển” về vấn đề mà mình nghiên cứu. Việc này không còn khó trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay. Tuy nhiên, cái khó là ở việc đọc, lĩnh hội những tài liệu đó. Đây là lúc chúng ta cần một môi trường khoa học, bằng cách lập ra một nhóm cùng nghiên cứu, cùng đọc và trình bày tài liệu.
Sau khi nắm được thông tin, bước tiếp theo là đưa ra hướng giải quyết; lập kế hoạch; tổng kết lại công việc; bắt tay vào viết bài báo; gửi cho các đồng nghiệp góp ý; chỉnh sửa bài viết và cuối cùng là gửi bài viết đến tạp chí theo sự lựa chọn của cá nhân.
“Hãy chép lại ba báo cáo tiêu biểu trên các tờ báo. Việc đó sẽ giúp bạn hình dung và học được cách trình bày báo cáo”, GS Ngô Bảo Châu đưa ra lời khuyên cho những người lần đầu thực hiện việc viết một bài báo khoa học.
GS Ngô Bảo Châu cũng lưu ý, sẽ là rất sai lầm nếu gửi ngay bài báo cho tạp chí sau khi viết xong. Nên tham khảo trước ý kiến đồng nghiệp, từ những phản hồi để chỉnh sửa bài viết một lần nữa. Việc chọn tạp chí đăng bài báo cũng khá quan trọng, không nên lựa chọn “quá sức”, mà sự khiêm tốn sẽ rộng mở cơ hội được đăng hơn.
Cùng với 10 bước khi nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh 3 phẩm chất cơ bản của người làm nghiên cứu. Đó là: Đúng và trung thực; mới; hay và quan trọng. Trong đó, tính liêm chính của khoa học phải được đặt ở vị trí số 1.
GS chia sẻ: “Trong khoa học, liêm chính là số một, nó không đơn thuần chỉ là danh dự mà với thời đại thông tin như ngày nay, sự mạo danh dễ dàng phát hiện, nhà khoa học có thể mất tất cả. Điều đó thực sự không đáng”.
Tin, ảnh: KHÁNH HÀ