Cùng với đó, trong bối cảnh đất nước đang thiếu điện phục vụ phát triển thì việc rà soát, triển khai quy hoạch điện VIII tới đây sao cho tốt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do đó, rất cần Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quan tâm hơn nữa khắc phục hạn chế trong công tác quy hoạch điện.

Rà soát quy hoạch thủy điện: Khích lệ những dự án thiết thực, hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) tới đây rất cấp bách vì nhu cầu sử dụng điện cho phát triển ngày càng tăng cao trong khi cơ cấu điện chưa hợp lý. Không thể duy ý chí chủ quan phát triển tràn lan điện mặt trời, điện tái tạo mà quên điện truyền thống. Hiện có sự bất hợp lý giữa cơ cấu nguồn điện, giữa điện truyền thống và điện tái tạo, bất hợp lý giữa nguồn điện và hệ thống truyền tải và đặc biệt là nó lại mất cân đối giữa các vùng miền.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. 

Quy hoạch mới phải làm sao đáp ứng được 3 cái yêu cầu: Một là, cân đối cơ cấu nguồn điện. Hai là cân đối giữa nguồn điện và hệ thống truyền tải. Ba là cân đối giữa các vùng miền để đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như là lâu dài.

Chính vì thế, Bộ Công Thương kiên quyết đề nghị với Thủ tướng cho rà soát lại quy hoạch dù biết là rà soát lại cũng rất là chông gai nhưng không thể không làm. Điện là bánh mì của công nghiệp, của sản xuất, nếu quy hoạch gây lúng túng trong việc bảo đảm năng lượng quốc gia, lúng túng trong điều hành thì nó còn liên quan đến sự đổ vỡ của nền kinh tế.

Nhiều dự án của các đối tác đã triển khai đúng theo quy hoạch thì phải được tôn trọng. Còn những dự án xin rồi để treo đấy, không làm gì, không hiệu quả thì phải thu hồi, không chấp nhận những doanh nghiệp không có khả năng, không có năng lực trên thực tế chỉ  “lướt sóng sang ngang”. Tinh thần chung là quy hoạch mới rà soát, điều chỉnh sao cho hợp lý nhưng vẫn phải tôn trọng quy hoạch cũ, tôn trọng thuộc cấp độ thẩm quyền của các dự án và các cấp chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2022 trở đi, cứ 6 tháng một lần Bộ Công Thương sẽ rà soát lại các dự án và nếu dự án nào chậm tiến độ 1 lần thì đẩy xuống 1 năm, chậm 2 lần thì đẩy xuống 2 năm, đến lần thứ 3 thì loại ra khỏi quy hoạch. Những đơn vị yếu kém sẽ lộ ra. Trong quá trình đó, cần cố gắng nâng đỡ các doanh nghiệp Việt tham gia vào điện - lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, vì nó là chiến lược, là an ninh năng lượng quốc gia.

Điện than thời gian tới sẽ là bài toán khó khăn, rất khó làm. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chủ trương chung sau này nếu có cắt giảm thì sẽ giảm năng lượng tái tạo mặt trời, mà phải duy trì năng lượng truyền thống, nhất là thủy điện, ổn định hơn năng lượng mặt trời, gió.

Không để quy hoạch chồng chéo

Có một câu chuyện liên quan quy hoạch thủy điện gần đây được dư luận, báo chí quan tâm là Dự án thủy điện La Ngâu ở Bình Thuận. Dự án thủy điện La Ngâu nằm trong Quy hoạch điện V, VI, VII và VII điều chỉnh là quy hoạch ngành quốc gia do Thủ tướng phê duyệt. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt; được Bộ Công Thương ban hành quy trình vận hành hồ chứa; được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chấp thuận đấu nối và thỏa thuận mua điện; đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 100% tổng diện tích đất dự án hơn 300ha và đã được cấp phép xây dựng.

leftcenterrightdel
Một góc thủy điện Sơn La. 

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng suốt thời gian qua, chủ đầu tư vẫn nỗ lực triển khai tích cực, với khối lượng hoàn thành hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, vướng mắc đặt ra hiện nay là dự án phải tạm dừng triển khai để giải quyết chồng lấn quy hoạch với Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.

Được biết, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương chuẩn bị trình Thủ tướng tới đây, thủy điện La Ngâu vẫn được cập nhật, tiếp tục triển khai.

leftcenterrightdel
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện La Ngâu 

 

Song với chủ đầu tư, doanh nghiệp đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi tỉnh Bình Thuận lại yêu cầu dừng, bỏ dự án để làm dự án hồ thủy lợi. Bà Ngô Thị Thu Lý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ điện La Ngâu cho biết: Giải bài toán tháo gỡ chồng lấn quy hoạch đã kéo dài hơn 10 năm qua và được lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến rõ ràng.

Ngày 29-10-2010, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến tại Văn bản số 7804/VPCP-KTN: “Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Bộ và UBND tỉnh Bình Thuận rà soát lại các quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”;

Ngày 26-7-2011 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có chỉ đạo tại Văn bản số 799/VPCP-KTN: “Giao Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Công ty cổ phần thủy điện La Ngâu tiếp tục triển khai xây dựng công trình thủy điện La Ngâu theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà cho phù hợp, đảm bảo sử dụng hiện quả nguồn tài nguyên nước”.

Ngày 25-5-2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận và chỉ đạo tại Thông báo số 193/TB-VPCP: “Dự án thủy điện La Ngâu có trong Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật, đã triển khai đầu tư dở dang; khi phải dừng thực hiện dự án để triển khai hồ thủy lợi La Ngà 3, UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng bên liên quan trên cơ sở lợi ích chung của người dân và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”.

Xung quanh câu chuyện này, đặt ra bài toán thực hiện Luật Quy hoạch như thế nào, đừng để quy hoạch chồng lên quy hoạch, gây lãng phí. Theo một số chuyên gia kinh tế, Dự án thủy điện La Ngâu nằm trong Quy hoạch điện V, VI, VII và VII điều chỉnh là quy hoạch ngành quốc gia do Thủ tướng phê duyệt.

Dự án hồ La Ngà 3 trong Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành chứ không phải quy hoạch quốc gia. Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi mới là quy hoạch ngành quốc gia.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 6 Luật Quy hoạch) quy định rõ: “Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp Quốc gia. Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh xảy ra mâu thuẫn với quy hoạch ngành Quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch tổng thể Quốc gia. Trường hợp quy hoạch vùng có mâu thuẫn với nhau, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn; trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia”.

Như vậy, các quy hoạch thủy lợi làm sau mà chồng lên Quy hoạch điện lực quốc gia là không phù hợp, cần phải được xử lý theo đúng pháp luật và hiệu quả nhất. Đó là chưa kể đến bối cảnh thực tế hiện nay, đất nước thiếu điện, nhu cầu điện lực rất cấp bách trong khi nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, việc bố trí một nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng cho hồ thủy lợi còn rất xa xôi. Dự án hồ La Ngà 3 cũng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư công; chưa được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Cùng với đó, theo dự kiến, dự án hồ La Ngà 3 sẽ thu hồi 575 ha rừng, trong đó 209 ha rừng đặc dụng (diện tích có rừng tự nhiên là 122,6ha) và 266ha đất rừng sản xuất thì sẽ phải thông qua Quốc hội.

Giám sát tối cao về quy hoạch sẽ khắc phục bất cập

Phát biểu chỉ đạo về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” cách đây 2 ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, theo quy định, trong khi chưa có quy hoạch mới thì vẫn quản lý, thực hiện theo quy hoạch cũ. Quốc hội đã lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề thực thi Luật Quy hoạch trong năm 2022 để tới đây khắc phục những hạn chế, bất cập.

leftcenterrightdel
Phối cảnh thủy điện La Ngâu. 

Làm việc với cử tri tại Hải Phòng, cũng đã có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng chậm thực hiện quy hoạch xây dựng tại thành phố, gây lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong năm 2022 và Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ quan tâm giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng tại địa phương. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với Đoàn giám sát của Quốc hội là chú trọng giám sát việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch hiện có trong giai đoạn giao thoa pháp luật cũ và mới về quy hoạch, khi Luật Quy hoạch mới ban hành và thực hiện Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Trong giai đoạn này, có nhiều trường hợp tùy tiện điều chỉnh quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch không đúng.

Hy vọng rằng với tinh thần đó, công tác quy hoạch và giám sát quy hoạch điện lực thời gian tới sẽ chuyển biến tích cực, góp phần phát triển nguồn năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Bài, ảnh: HỒNG QUANG