Hàng trăm nghìn héc-ta cà phê đang đứng trước nguy cơ không thu hoạch kịp thời vụ, ảnh hưởng lớn tới sản lượng, chất lượng và thu nhập của người trồng cà phê. 

Mỏi mắt tìm nhân công

Gần một tuần qua, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh ở xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng như ngồi trên đống lửa. Hơn 2ha cà phê arabica tương đương với sản lượng 30 tấn quả tươi bắt đầu chín nhưng chưa thuê được người thu hái khiến gia đình chị vô cùng lo lắng.

Trước đó, vì không thuê được người làm mà gia đình chị đã phải bán rẻ 10 tấn trái hồng với giá 2.000 đồng/kg, bằng một nửa so với mức giá trung bình trên thị trường.

“Để thu hái 2ha cà phê, chúng tôi cần 4-5 nhân công làm việc trong hai tuần. Những ngày qua, chúng tôi liên tục tìm kiếm nhân công, thậm chí phải điện thoại cho một số lao động quen tận dưới Ninh Thuận, mời họ lên làm việc, sẵn sàng trả công với giá cao, bao ăn ở nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người”, chị Ánh phân trần.

Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đang cùng vợ con chạy đua với 5ha cà phê của gia đình. Mọi năm, ông đều thuê khoảng 10 người thu hái cà phê nhưng năm nay, do không tìm được người nên gia đình phải tự hái.

“Nhà chỉ có 3 lao động, trong khi diện tích cà phê lớn nên làm không xuể. Trước đây, chúng tôi thường đợi cà phê chín kỹ mới thu hoạch nhưng năm nay do không thuê được người, nếu để cà phê chín sẽ hái không kịp, cà phê rụng nhiều, thành ra phải hái khi trái còn xanh, dù biết rằng như thế chất lượng cà phê sẽ không cao”, ông Dũng cho biết.

Nông dân xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch cà phê. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 174.000ha cà phê, sản lượng hằng năm ước đạt hơn 2,3 triệu tấn quả tươi, tương đương 520.000 tấn nhân.

Để thu hoạch hết số nông sản này, ngoài lực lượng lao động tại chỗ, Lâm Đồng cần khoảng 40.000 lao động thời vụ từ các địa phương khác. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lực lượng lao động thời vụ không tới được Lâm Đồng, dẫn tới tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Đắc Lắc là “thủ phủ” cà phê của cả nước với diện tích 209.900ha. Toàn tỉnh có khoảng 185.000 hộ sản xuất cà phê, thu hút khoảng nửa triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Cũng như nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên, thời gian cao điểm thu hoạch cà phê của Đắc Lắc thường diễn ra từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu hoạch cà phê đang là bài toán nan giải cho các địa phương và người trồng cà phê. Tỉnh Đắc Nông có hơn 120.000ha cà phê và cần khoảng 13 triệu công thu hoạch, nhưng lực lượng lao động tại chỗ hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

Tình trạng khan hiếm lao động không chỉ khiến cho một lượng lớn cà phê đứng trước nguy cơ bị thất thoát, bị giảm chất lượng mà còn đẩy giá nhân công lên cao, khiến người trồng cà phê gặp nhiều áp lực. Hiện, giá cà phê nhân tại Tây Nguyên tăng so với mọi năm (đạt khoảng 40.000 đồng/kg) nhưng người trồng cà phê vẫn không vui do ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm lao động.

Tận dụng lao động tại chỗ, ưu tiên vaccine cho người thu hoạch cà phê

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động thu hoạch cà phê, từ tháng 8-2021, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi các huyện, thành phố trong tỉnh, yêu cầu thống kê diện tích, sản lượng cà phê và nguồn lao động. Hướng dẫn các địa phương thực hiện giải pháp thu hoạch cà phê trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hiện nay, Lâm Đồng đã tổ chức thành lập các tổ, đội, nhóm... tiến hành xoay vần, đổi công trong thu hái cà phê. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm giới thiệu lao động cho các hộ và doanh nghiệp trồng cà phê. Với các gia đình neo đơn, thiếu lao động, chính quyền đã kêu gọi các đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, học sinh hỗ trợ người dân thu hoạch cà phê.

Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị thu hoạch cà phê, ưu tiên huy động các lực lượng, phương tiện, chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản.

Tận dụng nhân công tại chỗ, tăng cường đổi công cho nhau giữa các gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và phương tiện từ vùng ít hoặc không có cà phê tới vùng chuyên canh cà phê làm việc. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho những người đã tiêm phòng dịch Covid-19 đến Đắc Lắc thu hái cà phê.

Công bố danh sách các đơn vị thu mua uy tín và các đơn vị vận chuyển để cung cấp cho người dân có địa chỉ giao dịch; chuẩn bị sân phơi, máy sấy, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết.

Tại Tây Nguyên, cà phê được trồng trên quy mô lớn, loại nông sản này thường chín đồng loạt nên cần nhiều nhân công để giải quyết trong thời gian ngắn.

“Các giải pháp phát huy nguồn lao động tại chỗ chỉ mang tính chất tình thế. Để giải quyết căn cơ bài toán lao động cho ngành cà phê, các địa phương khu vực Tây Nguyên rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn. Hiện Lâm Đồng cũng như các tỉnh tại khu vực Tây Nguyên đã mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ các địa phương khác tới thu hái cà phê nhưng do chưa được tiêm đủ liều vaccine, các tuyến xe khách chưa được nối lại nên nhiều lao động vẫn còn tâm lý e ngại, gặp khó khăn khi di chuyển. Chúng tôi mong muốn các địa phương ưu tiên đẩy mạnh tiêm vaccine cho những lao động có nguyện vọng, đồng thời tạo điều kiện về thủ tục, phương tiện để người lao động có thể tới Tây Nguyên tham gia thu hoạch cà phê”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nói.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG