Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết nguyên nhân vì sao giá thịt lợn hơi trong nước thời gian qua lại sụt giảm mạnh?
Ông Nguyễn Đức Trọng: Từ đầu năm đến giữa năm 2016, giá thịt lợn hơi tăng mạnh, thời điểm đó giá bán cho thương lái là 56.000 đồng/kg. Do giá bán thịt lợn hơi lúc đó cao nên người chăn nuôi tăng đàn và nuôi nhiều. Vì vậy, nguồn cung thịt lợn hơi trong nước hiện đang vượt cầu khiến giá sụt giảm mạnh. Với giá thịt lợn hơi đang ở mức từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. Đây là điều không tránh khỏi và diễn ra từ nhiều năm nay. Hơn nữa, sản phẩm thịt lợn hơi của Việt Nam ngoài phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước còn xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, sản phẩm thịt lợn hơi của Việt Nam lâu nay xuất sang Trung Quốc toàn bộ theo đường tiểu ngạch. Việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thường rủi ro cao, nhất là khi thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu do nguồn cung của họ bảo đảm. Nguồn cung thịt lợn nội địa của Trung Quốc khi đủ họ sẽ giảm nhập thịt lợn của Việt Nam, và ngược lại, nguồn cung nội địa giảm thì họ sẽ nhập khẩu mạnh. Khi đó, giá thịt lợn hơi sẽ cao do Trung Quốc nhập khẩu nhiều. Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng với sản phẩm chăn nuôi nói chung và thịt lợn hơi của chúng ta nói riêng, tuy nhiên cũng chứa đựng nhiều rủi ro do chúng ta hiện chỉ xuất qua đường tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi.
PV: Nhu cầu, thị hiếu thịt lợn hơi của thị trường Trung Quốc hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Trọng: Nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc thường sử dụng thịt có nhiều mỡ (nhiều mỡ thì phải là loại lợn có trọng lượng từ 100 kg/con trở lên). Còn thị trường trong nước lại có nhu cầu, thị hiếu ngược lại, thích sử dụng thịt có nhiều nạc (loại lợn trọng lượng dưới 100 kg/con).
PV: Thưa ông, từ tình trạng bấp bênh đối với thị trường tiêu thụ thịt lợn hơi trong nước, đâu là hạn chế của ngành chăn nuôi nước ta hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Trọng: Về chất lượng nguồn con giống, chúng ta cải thiện. Có một số giống ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, chất lượng cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, so với nhu cầu của ngành chăn nuôi thì vẫn còn phải phấn đấu để nâng tỷ lệ chất lượng con giống lên. Tiếp đó, vấn đề sử dụng thức ăn chăn nuôi, cụ thể ở đây là với thức ăn dành cho nuôi lợn vẫn còn cao so với các nước chăn nuôi tiên tiến trên thế giới (lượng thức ăn dành cho nuôi lợn cao hơn 10% so với các nước tiên tiến). Trung bình để tăng trọng 1kg thịt lợn, chúng ta sử dụng từ 2,9-3kg thức ăn). Chúng ta đã đặt mục tiêu giảm xuống còn sử dụng 2-2,5 kg thức ăn/1kg lợn hơi). Điều này không dễ thực hiện. Nhưng để cạnh tranh được trên thị trường thì chúng ta phải giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi. Ngoài yếu tố giống và thức ăn tác động đến giá thành sản phẩm chăn nuôi thì cách thức chăn nuôi cũng tác động không nhỏ đến tăng trọng của vật nuôi và giá thành sản phẩm.
Chăn nuôi lợn tại một hộ gia đình thuộc HTX và dịch vụ Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Ảnh: PHÚC THÁI
PV: Về lâu dài, để hạn chế rủi ro, ngành chăn nuôi có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Trọng: Theo tôi, người chăn nuôi cần liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để chăn nuôi theo chuỗi (giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến, thị trường) để giảm nguy cơ rủi ro. Ngoài ra, việc chăn nuôi theo chuỗi còn góp phần giúp cho công tác quản lý sản phẩm chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể thực hiện được. Chăn nuôi theo chuỗi cũng là mục tiêu mà chúng ta đang nỗ lực triển khai thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi không nên bỏ chuồng, ngừng sản xuất, vì chỉ 4-6 tháng sau thị trường trong nước bị thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn hơi thương phẩm sẽ lại tăng. Nếu xác định chăn nuôi là một nghề thì khi giá thịt lợn tăng cao bất thường, người chăn nuôi cũng không nên ồ ạt chăn nuôi theo phong trào, thị trường thịt lợn hơi sẽ bị mất cân đối cung-cầu.
Về lâu dài, chúng ta cần tiến hành đàm phán ở cấp chính phủ giữa hai nước để mở cửa, khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi xuất bằng đường tiểu ngạch.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)