Đại sứ các nước “G5” Á-Âu và đại diện Việt Nam tham dự buổi họp báo ngày 5-10 tại Hà Nội. Ảnh: PHƯƠNG LINH
Mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương
Quyết định khởi động đàm phán với các đối tác Việt Nam về việc thành lập một cơ chế liên kết mới đã được Hội đồng kinh tế tối cao Á-Âu ở cấp những người đứng đầu các quốc gia thông qua vào tháng 12-2012. Qua hai năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nhóm công tác chuyên ngành, ngày 29-5-2015, Thủ tướng chính phủ các nước đã thay mặt nhà nước chính thức ký hiệp định này tại Ca-dắc-xtan. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10.
Theo Đại diê%3ḅn Thương mại Nga tại Viê%3ḅt Nam, ông Kha-ri-nốp V.N. (Kharinov V.N.), ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các đối tác sẽ giảm về không với 2/3 dòng thuế nhập khẩu trong thương mại nội khối. Đối với phần còn lại, thuế nhập khẩu sẽ được bãi bỏ trong giai đoạn chuyển tiếp 10 năm. Đến khi đó, khoảng 90% dòng hàng sẽ có thuế bằng không. Ngoài ra, hiệp định cũng quy định việc bảo vệ các quyền đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ, xác định các hướng đi hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, thiết lập các nguyên tắc thống nhất về bảo vệ cạnh tranh, quy cách các thủ tục hải quan.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Vnu-cốp K.V. (Vnukov K.V.) khẳng định, đây là hiệp định đầu tiên, kiểu như thế này được ký kết giữa EAEU và một quốc gia nước ngoài. “Đây là minh chứng chói sáng có tính chất tin cậy chặt chẽ trong sự phối hợp hành động giữa chúng tôi và các bạn Việt Nam, trải qua những thử thách của thời gian và vô vàn gian truân sóng gió”, Đại sứ Nga khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Ca-dắc-xtan B.Du-ma-kha-nốp cho rằng, hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra một giai đoạn mới trong phát triển quan hệ thương mại song phương, góp phần tạo thêm động lực để tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Nhấn mạnh những ưu điểm của hiệp định, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ác-mê-ni-a Va-đa-ni-an R.G. (Vardanyan R.G.) khẳng định, sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực pháp lý, các bên cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc thực hiện để bản hiệp định thành công . “Điều đó có nghĩa là thâm nhập vào bản chất của các cơ chế nội bộ, nguyên tắc hoạt động và đáp ứng kịp thời với những ưu tiên quan trọng như: Giảm tệ quan liêu, số lượng giấy phép và các văn bản khác”, nữ Đại sứ Ác-mê-ni-a nhấn mạnh.
“Bàn đạp” để củng cố vị thế EAEU ở ASEAN
Với việc khởi động FTA giữa EAEU và Việt Nam, theo Đại sứ Vnu-cốp, Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của 5 nước gồm: Nga, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và Cư-rơ-gư-xtan với tổng GDP là gần 2,2 nghìn tỷ USD và 183 triệu người tiêu dùng. Về phần mình, “G5” Á-Âu sẽ có thể đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam, nơi có 90 triệu người đang sinh sống.
Đại sứ Vnu-cốp tin tưởng, việc hiệp định chính thức có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Nga trong thời gian tới. Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch song phương Việt Nam-Nga đạt mức 2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho phép Việt Nam vươn lên vị trí thứ nhất trong danh sách đối tác thương mại của Nga ở ASEAN. Tuy nhiên, con số này vẫn khiêm tốn và chưa đáp ứng được tiềm năng và khả năng của hai nước. "Chúng tôi hy vọng dự án liên kết mới này cho phép thực hiện nhiệm vụ đã được đặt ra trước ban lãnh đạo hai nước nhằm gia tăng khối lượng hoạt động thương mại Nga-Việt Nam lên 10 tỷ USD đến năm 2020", Đại sứ Vnu-cốp bày tỏ.
Lạc quan về triển vọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Bê-la-rút sẽ tăng trong thời gian tới, Đại sứ Bê-la-rút tại Việt Nam Gô-sin V.A. (Goshin V.A.) cho biết, hiện nay Bê-la-rút đang cùng với các đối tác Việt Nam sản xuất và lắp ráp ô tô tải của Nhà máy chế tạo ô tô Minsk (MAZ) tại nhà máy của Công ty “VEAM motor”. Trong những tháng sắp tới, sẽ có hai liên doanh nữa giữa các đối tác Việt Nam và MAZ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô tải và ô tô buýt đi vào hoạt động.
Theo Đại sứ Gô-sin, hai bên hiện đang bàn thảo những vấn đề liên quan đến việc thành lập liên doanh Bê-la-rút - Việt Nam sản xuất polyamide, phân bón tổng hợp, các thiết bị y học và các dụng cụ giám sát bức xạ… “Khi FTA có hiệu lực, điều kiện tiếp cận thị trường của hàng hóa Bê-la-rút mà hiện tại Việt Nam còn thiếu sẽ tốt lên nhiều. Đó là: Thịt gia cầm, thịt bò, các sản phẩm sữa, bột ngũ cốc, các sản phẩm dầu… Về phía mình, Bê-la-rút sẽ tăng khối lượng nhập khẩu hàng hóa có chất lượng của Việt Nam sang thị trường Bê-la-rút và các nước trong EAEU, như: Cá, hải sản, gạo, cao su, chè, cà phê, gia vị, quần áo… Các công ty Việt Nam có thể coi Bê-la-rút như cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường các nước trong EAEU và các nước Đông Âu”, Đại sứ Bê-la-rút nhấn mạnh.
Để lưu thông hàng hóa giữa hai bên được thuận lợi, việc cần thiết là phải tạo thuận lợi trong lĩnh vực giao thông vận tải và hậu cần. Đại sứ Ca-dắc-xtan cho biết, Đại sứ quán Ca-dắc-xtan đã có đề xuất Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và lãnh đạo Tổng cục Đường sắt Việt Nam xem xét khả năng tổ chức vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam sang các nước EAEU và ngược lại bằng container, thông qua các ga giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc, quá cảnh địa phận Trung Quốc. Cách thứ hai là vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển Việt Nam tới bến cảng Ca-dắc-xtan thuộc cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc), nơi 49% cổ phần cảng biển thuộc về công ty đường sắt Ca-dắc-xtan, và trung chuyển sang container rồi vận chuyển qua Trung Quốc tới Ca-dắc-xtan và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu.
Với việc FTA giữa EAEU và Việt Nam chính thức có hiệu lực, Đại sứ các nước thành viên EAEU hy vọng, sự hợp tác trong khuôn khổ FTA sẽ tạo cơ hội tăng trưởng mới, các hướng phát triển mới, từ đó dẫn tới những thay đổi về chất lượng trong cơ cấu kinh tế của mỗi nước thành viên.
LINH OANH